Theo nguồn tin của TBKTSG Online, sau khi tập đoàn Vingoup đề xuất phương án mua 80% vốn nhà nước tại Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng, Bộ GTVT đã chuyển đề xuất này lên Chính phủ, đề xuất Thủ tướng ra quyết định cuối cùng về việc này theo hướng chấp thuận bán cho Vingroup và giảm tỉ lệ nhà nước, các nhà đầu tư khác tại hai cảng xuống mức còn 20%.
Trước đó, theo đề án tái cơ cấu công ty mẹ Vinalines của hai doanh nghiệp này (chỉnh sửa hồi tháng 10-2014) thì Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng thuộc nhóm cảng biển số 1, nhà nước sẽ giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
Nếu đề xuất mới này được thông qua thì đề án tái cơ cấu Vinalines sẽ được điều chỉnh mạnh với việc nhà nước không còn nắm giữ tỷ lệ vốn chi phối tại hai doanh nghiệp nói trên nữa.
Cảng Sài Gòn đang xây dựng phương án IPO dự kiến thực hiện trong tháng 4 tới. Tuy nhiên, với đề xuất nói trên thì phương án cổ phần hóa cảng này cũng sẽ phải được xây dựng lại theo hướng điều chỉnh mạnh về tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông.
Tại quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Cảng Sài Gòn năm 2014, doanh nghiệp này có giá trị gần 4.000 tỉ đồng, riêng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại đây là 2.160 tỉ đồng.
Còn Cảng Hải Phòng đã hoàn tất IPO và nếu bán tiếp theo phương án thoái vốn thì tỷ lệ nhà nước nắm giữ tại đây còn rất ít trong tổng số 3.270 tỉ đồng vốn điều lệ hiện hành. Giá trúng đấu giá bình quân của cảng Hải Phòng là 13.507 đồng/cổ phiếu.
Việc Bộ GTVT đề nghị bán 80% cổ phần nhà nước tại Cảng Hải Phòng cho Vingoup đồng nghĩa với việc loại Quỹ dự trữ quốc gia Oman ra khỏi danh sách các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng. Cho dù Quỹ dự trữ quốc gia Oman đề nghị mua Cảng Hải Phòng trước và đã được Thủ tướng chấp thuận bán một phần vốn cho nhà đầu tư này với giá hợp lý song hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 49% tỷ lệ cổ phần tại một công ty trong nước nên Quỹ dự trữ quốc gia Oman trở nên “lép vế” so với hình thức mua trọn lô cổ phiếu lớn mà Vingoup đặt ra.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn