Cả nước hiện có hàng nghìn container hàng hóa đủ chủng loại đang bị “bỏ quên” tại các cảng biển không được giải tỏa, làm hạn chế diện tích kho bãi, đội thêm chi phí bảo quản, gây khó khăn cho các cảng trong việc xử lý hàng tồn. Trong số này, có những lô hàng đã nằm tại cảng 5-10 năm…
Bỏ của chạy lấy người
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8/2014, số lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam khoảng 5.450 container và 1.323 kiện. Trong đó, tại các cảng Hải Phòng hơn 5.000 container, Quảng Ninh 52, Đà Nẵng 99, cảng TP Hồ Chí Minh có 177 container và 1.323 kiện hàng. Hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại xuất nhập khẩu, như: tạm nhập tái xuất, nhập máy móc thiết bị, nhập kinh doanh. Mặt hàng tồn đọng chủ yếu đã qua sử dụng là lốp cao su, quần áo, phế liệu, thiết bị điện, hàng điện tử, thực phẩm đông lạnh.
Còn theo Cục Hải quan Hải Phòng, số lượng hàng quá thời hạn khai hải quan, hàng tồn đọng quá 90 ngày tại các cảng biển trên địa bàn thành phố hơn 5.000 container. Trong đó có rất nhiều container đã nằm tại các cảng 5-10 năm chưa xử lý được. Chủ nhân của những lô hàng này biến cảng thành bãi rác. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại kinh tế, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, hàng tồn đọng lại có giá trị thấp, trong danh mục tạm nhập tái xuất, hàng gian lận thương mại, nên khi bị phát hiện chủ hàng liền bỏ trốn. Cảng có công văn yêu cầu nhận hàng, nhiều doanh nghiệp từ chối là chủ. Do vậy, lô hàng phải lưu ở cảng và không xử lý được.
Theo lãnh đạo cảng Đình Vũ (Hải Phòng), hiện cảng còn 646 container có thời gian lưu bãi từ 90 ngày đến 5 năm. Hàng tồn đọng chiếm 15% tổng lượng hàng đang lưu bãi tại cảng. Hiện các hãng tàu đã ủy quyền cho cảng làm việc với cơ quan chức năng để xử lý. Các hãng tàu đã đồng ý miễn toàn bộ phí lưu container (thậm chí sẵn sàng gánh một phần chi phí tiêu hủy để giải phóng container), cảng miễn phí lưu bãi… nhưng 2 năm qua (2013, 2014) đã 4 lần họp với cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được.
Lý giải về việc này, một số lãnh đạo cảng cho rằng, khó khăn do vướng về kinh phí. Thông tư 15/2014 của Bộ Tài chính về xử lý hàng tồn đọng tại cảng quy định kinh phí xử lý hàng tồn đọng đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước sẽ do cảng và hãng tàu chi trả. Nhưng nhiều trường hợp chi phí xử lý vượt khả năng tài chính của doanh nghiệp, cảng không đủ khả năng trả. Để tiêu hủy một container hàng khô mất 100 triệu đồng, với hàng đông lạnh khoảng 150 triệu đồng/container. Hơn 5.000 container đang tồn đọng tại các cảng Hải Phòng chi phí này đã hơn 500 tỉ đồng.
Lý giải về nguyên nhân tồn đọng hàng ngàn container trên, ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) nói, một lượng hàng lớn tại các cảng biển thuộc về hàng tạm nhập tái xuất, chủ yếu người đứng tên nhận lô hàng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc doanh nghiệp kinh doanh. Hàng hóa về cảng sau đó tái xuất đi Trung Quốc hoặc nước thứ 3, nhưng do chính sách kiểm soát rất chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới phía Trung Quốc nên việc tái xuất hàng hóa gặp khó khăn.
Qua kiểm tra, đánh giá, chi phí lưu container, phí lưu bãi phải trả cho đơn vị vận tải và kinh doanh kho bãi của nhiều lô hàng lớn hơn giá trị thực tế của lô hàng đó. Các lô hàng phế liệu cao su hoặc lốp cao su đã qua sử dụng chi phí bình quân trả phí lưu container, kho bãi khoảng 300 triệu đồng/container. Trong khi giá trị hàng hóa chỉ khoảng 10-20 triệu đồng/container.
“Kiểm tra 1.426 container hàng hóa tại cảng Hải Phòng, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm về việc vận chuyển vào Việt Nam những mặt hàng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập tái xuất không có giấy phép, hàng hóa thuộc danh mục cấm tạm nhập tái xuất hoặc đã tạm dừng” - ông Nguyễn Nhật nói.
Trục xuất khỏi Việt Nam
Hiện việc phân loại xử lý hàng tồn, vẫn chưa được quy định cụ thể. Mỗi cảng xử lý theo cách riêng, thiếu nhất quán. Quy định yêu cầu phải có văn bản bỏ hàng hóa của chủ hàng và đề nghị thanh lý của hãng tàu cùng các bên có trách nhiệm. Hải quan tại các cảng biển phải rà soát các container này có vi phạm thủ tục hải quan hay không, khi có đầy đủ cơ sở khẳng định lô hàng có thể thanh lý. Phức tạp hơn là các cảng phải mở container kiểm đếm, phân loại hàng hóa, thời hạn sử dụng, xuất xứ. Chỉ riêng công đoạn kiểm tra, giám định đã mất khá nhiều thời gian, đó là chưa kể chờ quyết định thanh lý của các ban, ngành...
Trước thực trạng trên, đại diện một số các cảng biển đề nghị, chỉ cần sau 3 lần thông báo cho hãng tàu đến nhận, thời gian với mặt hàng bách hóa là 60 ngày và 30 ngày với hàng đông lạnh, chất độc hại... thì nên quy là hàng tồn đọng tại cảng biển chứ không cần phải chờ có văn bản bỏ hàng của các chủ hàng. Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương có những quy định cụ thể đối với từng loại mặt hàng và quy định rõ ràng với người vận chuyển.
Đại diện các cảng cũng cho biết thêm, hiện nay quy định xử lý hàng tồn tại các cảng còn chưa chặt, dẫn tới việc doanh nghiệp tìm cách lách luật. Phí lưu kho bãi ở các cảng hiện thấp hơn nhiều so với phí gửi hàng bên ngoài nên doanh nghiệp chây ỳ để hàng tại cảng.
Phân tích những khó khăn trong việc xử lý hàng ngàn container tồn động ở các cảng biển, ông Nguyễn Nhật cho rằng, lực lượng hải quan phải thực hiện trình tự các bước thủ tục, mất rất nhiều thời gian trong việc kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định, phân loại đối tượng, cũng như thời gian thông báo tìm chủ sở hữu hàng hóa theo quy định của pháp luật và phát sinh nhiều chi phí cho ngân sách Nhà nước. Trường hợp phải xử lý tiêu hủy đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng hoặc đối tượng buộc tiêu hủy như phế thải nhựa, quần áo cũ... thì năng lực tiêu hủy của các đơn vị có chức năng xử lý cũng hạn chế, chi phí tiêu hủy cao...
Để giải tỏa số hàng hóa trên khỏi các cảng biển nhằm hạn chế tình trạng hư hỏng, giảm thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam xử lý 183 container của đơn vị này đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm nhằm hạn chế hư hỏng. Có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan Việt Nam thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng theo đúng quy định, trong đó khẩn trương bố trí ngân sách để xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu hoặc xử lý làm nguyên liệu sản xuất được mua lốp cao su đã qua sử dụng và phế liệu theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm 2.769 container lốp cao su đã qua sử dụng.
Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất đối với các lô hàng hóa có người nhận ở Việt Nam nhưng không xuất trình được giấy phép do Bộ Công Thương cấp sẽ phạt tiền và buộc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà doanh nghiệp không thực hiện thì tịch thu hoặc tiêu hủy hàng hóa theo quy định.
Theo http://petrotimes.vn