Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã phải chi gần 70 tỷ đồng để trả cho nhà thầu Hàn Quốc sau khi thua kiện trong vụ tranh chấp hợp đồng dự án Cảng Vân Phong.
Hồi đầu năm 2014, Trung tâm trọng trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra phán quyết buộc Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) phải trả hơn 65 tỷ đồng cho công ty SK Engineering & Construction (SK E&C). Đây là nhà thầu thi công bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) mà Vinalines làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, do cho rằng quyết định của cơ quan trọng tài không phù hợp pháp luật Việt Nam, Vinalines đã đệ đơn lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội yêu cầu hủy phán quyết. Sau 7 tháng thụ lý vụ việc, toà đã bác bỏ yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam. Việc khiếu nại nêu trên đã khiến dài thời gian thi hành phán quyết kéo dài gần một năm.
Vì thế, bên cạnh số tiền phải trả theo phát quyết trọng tài là 65,2 tỷ, Tổng công ty còn buộc phải chi thêm gần 4,8 tỷ đồng tiền phạt chậm trả được phía SK E&C, tính với lãi suất 9% cho 360 ngày quá hạn.
Để có số tiền trả nợ trong bối cảnh làm ăn thua lỗ, hội đồng thành viên Vinalines phải ra nghị quyết trích từ nguồn 900 tỷ bổ sung vốn điều lệ cho công tỵ mẹ mà Chính phủ cho phép giữ lại từ tiền thu cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên.
Thực tế, trước khi chấp nhận nộp phạt, doanh nghiệp Việt Nam đã tìm mọi cách để giảm nhẹ thiệt hại. Cụ thể, Vinalines đã phải gửi thư cho phía nhà thầu đề nghị “hỗ trợ và chia sẻ” bằng việc giảm trừ tiền lãi chậm thanh toán với thời điểm tính lãi là từ 3/11/2014 thay vì từ đầu năm như phía đối tác tính toán.
Một khoản mục nữa là bù đắp phần thiệt hại do hai tàu Vinalines Sky và Vinalines Trader từng bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ trong quá trình tranh chấp theo yêu cầu của SK E&C. Tuy nhiên, yêu cầu của Tổng công ty Hàng hải đã bị doanh nghiệp Hàn Quốc từ chối.
Dù vậy, sau khi chuyển trả 70 tỷ đồng, Vinalines vẫn cho rằng "như thế là có lợi cho doanh nghiệp" so với phương án để Tòa án Hàn Quốc xem xét vụ án. Doanh nghiệp Việt Nam nhận định nếu vụ việc được tòa Hàn Quốc thụ lý thì nhiều khả năng phán quyết của trọng tài Việt Nam sẽ được cơ quan công lý nước bạn công nhận, đồng thời yêu cầu thi hành án.
Trong một báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải mới đây, doanh nghiệp thừa nhận, nếu tiếp tục theo đuổi vụ kiện tại Hàn Quốc, khả năng công ty sẽ mất thêm ít nhất 440 triệu cho các khoản phí luật sư, in ấn tài liệu vụ việc.
Bên cạnh đó, việc chấp nhận thực hiện phát quyết cũng giúp Vinalines nhận được cái gật đầu từ SK E&C về việc rút đơn yêu cầu bắt giữ hai con tàu kể trên. Nhờ vậy, cuối năm 2014, doanh nghiệp đã thu hồi khoản gần 3,3 triệu USD tiền đặt cọc tại tòa Hàn Quốc mà họ từng bỏ ra để giải phóng cho hai con tàu Sky và Trader.
“Sau khi thu hồi tiền đặt cọc giải phóng tàu, toàn bộ vụ việc giữa Vinalines và SK E&C tại tòa án Hàn Quốc đã kết thúc”, báo cáo cho biết. Ngoài ra, Vinalines cũng đã đạt được sự thống nhất với Liên danh tư vấn Meinhart – Tedi Port và SK E&C – Vinawaco về việc thanh quyết toán hợp đồng thi công xây dựng gói thầu 6b1.
Tuy vậy, mức độ thiệt hại cuối cùng từ việc dừng thi công Dự án cảng trung chuyển Vân Phong và gói thầu này vẫn chưa được Tổng công ty cập nhật và báo cáo lên Bộ chủ quản.
Theo VnExpress