Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 8/2014, tại các cảng biển của Việt Nam còn khoảng 5.450 container và 1.323 kiện hàng tồn đọng dạng vô chủ.
Đứng đầu là cảng Hải phòng với trên 5.000 container, Quảng Ninh 52 container, Đà Nẵng 99 container, cảng Sài Gòn (TPHCM) có 177 container và 1.323 kiện hàng… Chủ yếu là rác phế thải độc hại, được chuyển vào VN thông qua con đường tạm nhập tái xuất.
Theo Cục Hải Quan Hải Phòng: "Cảng Hải Phòng có những container hàng đã tồn đọng từ 5 - 10 năm. Cụ thể, trong tổng số hơn 5.000 container hàng hóa tồn đọng tại cảng này thì có tới trên 1.000 container tồn từ năm 2006. Hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hàng tạm nhập tái xuất, nhập kinh doanh… đa phần hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mặt hàng tồn đọng chủ yếu gồm cao su, lốp cao su đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phế liệu, thiết bị điện đã qua sử dụng, hàng điện tử đã qua sử dụng…."
Những năm gần đây, lợi dụng kẽ hở của luật pháp trong nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu rác thải công nghiệp, hóa chất độc hại vào nước ta. Đến khi không tái xuất được nhiều doanh nghiệp đã "bỏ của chạy lấy người". Đơn vị nào sẽ quản lý số hàng hóa "vô chủ" đó, rác phế thải độc hại sẽ được xử lý tại đâu và quy trình xử lý như thế nào? để không xảy ra vấn đề gì trong quá trình vận chuyển, gây ảnh hưởng đến môi trường là câu hỏi khó làm "đau đầu" các cơ quan chức năng?
Trong khoảng 5.000 container hàng quá hạn làm thủ tục, Cục Hải quan Hải Phòng mới chỉ khám xét được 1.363 container, trong đó có 104 container chứa nhựa phế liệu, máy tính, linh kiện điện tử cũ, nát, 1.085 container chứa lốp cao su đã qua sử dụng và 164 container quần áo cũ. Ngoài ra, còn gần 4.000 container tồn đọng khác, Cục Hải quan đang lập kế hoạch để tiến hành kiểm tra xem hàng hóa bên trong là mặt hàng gì. Đại diện Cảng vụ Hải phòng cho biết: "Cảng vụ đã đề nghị UBND TP Hải Phòng xử lý tình trạng container tồn đọng nhiều năm nay, và năm 2014 thành phố Hải Phòng cũng đã thành lập tổ xử container tồn đọng. Tuy nhiên, vừa qua cũng chỉ xử lý được hơn 100 container tồn đọng, chủ yếu là lốp ô tô" còn lại các cơ quan chức năng còn lung túng chưa biết phải xử lý ra sao?.
Với hàng hóa hải quan, cơ quan hải quan hoàn toàn căn cứ khai báo trên tờ khai hải quan và các chứng từ kèm theo, thì mới xác định được là hàng hóa thực tế nhập khẩu là hàng hóa gì... Nhưng với hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa về cảng không cần mở tờ khai hải quan, lợi dụng kẽ hở này nhiều doanh nghiệp đã bất chấp “nhập khẩu” rác về Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nhập hàng không đến mở tờ khai, cơ quan hải quan cũng không thể biết container được vận chuyển đến chứa loại hàng gì. Chỉ đến khi hết thời hạn 90 ngày mở tờ khai, cơ quan hải quan mới mời chủ hàng trên chứng từ vận tải lên giải quyết. Thế nhưng, đều chung một kịch bản là phía doanh nghiệp hông biết, không liên quan… Cứ thế hàng vốn có chủ lại thành vô chủ, và khi vô chủ thì các cảng Hải Phòng trở thành bãi chứa rác khổng lồ.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.
|