Trước sự cạnh tranh của Cảng quốc tế Cái Lân và các cảng tại Hải Phòng, sản lượng hàng hóa qua cảng Quảng Ninh đã liên tục sụt giảm trong 3 năm qua. Tỷ suất sinh lời cũng ở mức rất thấp so với các cảng tại Hải Phòng.
Tập đoàn T&T mua 100% lượng vốn thoái của Vinalines tại cảng Quảng Ninh
Tháng 2/2015, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) báo cáo Bộ Giao thông vận tải phương án chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của Vinalines tại Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh. Theo đó, Vinalines đề xuất thoái toàn bộ hơn 49 triệu cổ phần, tương đương trên 98% vốn điều lệ mà Nhà nước đang nắm giữ tại đây.
Trước đó, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông vận tải chính thức đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại Cảng Quảng Ninh, đồng thời cam kết phát triển kinh doanh cảng theo đúng định hướng của cơ quan quản lý. Và theo chia sẻ mới nhất của ông Hiển trên báo Dân Trí, Bộ GTVT đã đồng ý cho T&T mua lại.
Chưa nói đến ý định mua sân bay Phú Quốc đang gây xôn xao dư luận mới đây, việc bầu Hiển dự định bỏ ra 490 tỷ đồng mua cảng Quảng Ninh là một trong những thương vụ nổi tiếng trong làn sóng "doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào cảng biển”.
Như chúng tôi đã từng đề cập, đầu tư vào cảng biển có nhiều sự hấp dẫn, nhưng khi nhìn lại hoạt động của Cảng Quảng Ninh có thể thấy sự hấp dẫn của doanh nghiệp này có lẽ không đến từ hoạt động kinh doanh chính là khai thác cảng.
Cảng Quảng Ninh – phú quý đi xuống
CTCP Cảng Quảng Ninh có vốn điều lệ gần 500,5 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cảng và kho bãi. Công ty được giao quản lý, khai thác bến số 01 và từ tháng 4/2004 được nhà nước cho thuê, quản lý khai thác các bến 5, 6, 7 cảng Cái Lân.
Bến cảng của CTCP Cảng Quảng Ninh có thể phục vụ tàu trọng tải 75.000 DWT. Cơ sở hạ tầng gồm 4 kho với tổng diện tích 10.700 m2, tổng diện tích bãi chứa hàng là 142.000 m2.
Theo bản công bố thông tincổ phần hóa, trước đây, cảng Quảng Ninh chỉ chịu sự cạnh tranh của cảng Hải Phòng, nhưng từ cuối năm 2012, cảng Quảng Ninh còn chịu sức ép cạnh tranh của Cảng Quốc tế Container Cái Lân (CICT) liền kề. Kể từ khi CICT được đưa vào khai thác, cảng này đã thu hút hãng tàu MSC mà cảng Quảng Ninh đang khai thác nhiều năm dẫn đến sản lượng hàng và doanh thu của cảng sụt giảm mạnh.
Điều đáng nói là chính Cảng Quảng Ninh cũng đang gián tiếp sở hữu cổ phần tại CICT.
Có thể thấy, từ năm 2011 đến 2013, sản lượng hàng hóa vận chuyển tại cảng có chiều hướng đi xuống.
Sản lượng hàng hóa có chiều hướng suy giảm
Như công ty đánh giá, năm 2013 là một năm khó khăn, từ tình hình kinh tế thế giới và khu vực cho đến sự cạnh tranh trong cụm cảng miền Bắc. Chính vì thế, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Quảng Ninh đã giảm mạnh so với 2 năm trước đó và trở về mức tương đương năm 2010.
Cùng với đó là doanh thu năm 2013 chỉ đạt 207 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Cảng Quảng Ninh khá khiêm tốn
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu cũng có sự cải thiện nhưng nếu so với các công ty cảng biển khác, có thể thấy sự chênh lệch quá rõ. Nếu như tỷ suất này trung bình tại nhóm cảng miền Bắc như Đình Vũ, Cát Lái, Hải An, Viconship, Đoạn Xá là 29,3% thì mức cao nhất của cảng Quảng Ninh đạt được vào năm 2013 mới chỉ có 8%.
Theo những người lâu năm trong nghề, tàu ra vào cảng Quảng Ninh trong những năm nay chủ yếu là tàu vận chuyển hàng rời. Với vị trí của cảng, quãng đường vận chuyển bị kéo dài cùng thời gian chờ đợi lâu nên các hãng tàu container không lựa chọn vào cảng Quảng Ninh mà chủ yếu đi vào cảng Quốc tế Container Cái Lân (CICT).
Tuy nhiên, cảng Quốc tế này đã liên tục báo lỗ từ năm 2007 đến nay. Từ khi thành lập, sản lượng xếp dỡ của CICT hiếm khi vượt qua 60% năng lực và thời gian gần đây, cũng đang bị mất thị phần vào tay các cảng Hải Phòng khi các hãng tàu chủ yếu dùng tàu cỡ vừa vận tải container chủ yếu chọn Hải Phòng làm điểm đến.
Đó là chưa kể, khi cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) hoàn thiện và đi vào hoạt động (dự kiến năm 2016), tàu ra vào cảng Quảng Ninh sẽ có khả năng giảm tiếp.
Tên tuổi của bầu Hiển từng gắn với sự phục hồi cho một doanh nghiệp thủy sản lâm vào nguy cơ phá sản là Bianfishco. Tuy nhiên, hoạt động của một doanh nghiệp cảng biển khác với doanh nghiệp thủy sản khi phụ thuộc rất lớn vào vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng.
Vậy ẩn số đằng sau quyết định khá mạo hiểm này là gì?
“10 năm nữa, Quảng Ninh không còn vị trí đẹp như thế”
Một “đại gia” bất động sản tại Quảng Ninh đã nhận xét như vậy về cảng Quảng Ninh. Cảng nằm trong vịnh, “view” đẹp, rất thích hợp để xây dựng khu căn hộ cao cấp giống như Vingroup đã làm với Vinhomes Central Park, hoặc phát triển thành khu du lịch.
Theo một chuyên gia, việc chuyển đổi mục đích sử dụng của cảng Quảng Ninh thành khu căn hộ cao cấp có vẻ ít khả thi hơn do nhu cầu bất động sản tại tỉnh này không lớn như Tp.Hồ Chí Minh. Nhưng Quảng Ninh lại là vùng đất du lịch nổi tiếng cả nước, cảnh sắc thiên nhiên tại vùng cảng này thực sự hấp dẫn, đủ để xây dựng và phát triển thành một khu du lịch hút khách.
Bầu Hiển là một doanh nhân nổi tiếng mà tầm nhìn và khả năng kinh doanh đã được khẳng định trên thương trường. Mục đích chính của ông khi mua cảng Quảng Ninh là gì? Đó không phải điều dễ dàng chia sẻ. Và ông có thể làm gì với khu cảng này thì thời gian sẽ trả lời.
Theo Infonet