Sau vụ ớt thất bại năm ngoái do bán giá quá thấp, lỗ to, năm nay nhiều nông dân ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) chuyển sang trồng cây khác, khiến diện tích ớt ở địa phương giảm mạnh. Không ngờ từ đầu vụ đến nay giá ớt ngày càng tăng…
Nếu như thời điểm này năm ngoái, nông dân ở “thủ phủ” ớt Phù Mỹ (Bình Định) buồn hiu hắt do giá ớt tuột xuống chỉ còn 2.500đ/kg thì nay người trồng ớt đang vô cùng phấn khởi, bởi giá ớt từ đầu vụ đến nay không ngừng tăng.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Nếu vào đầu vụ thu hoạch, giá ớt to chuyên XK sang Trung Quốc (còn gọi là ớt chỉ địa) chỉ có giá 8.000đ/kg thì nay loại ớt này đã tăng đến 18.000đ/kg, còn loại ớt nhỏ (ớt chỉ thiên) chuyên tiêu thụ nội địa, đầu vụ giá chỉ có 15.000đ/kg, nay tăng đến 30.000đ/kg.
Người trồng ớt năm nay lãi khá, chỉ tiếc là nhiều nông dân quay lưng với cây ớt, khiến diện tích ớt ở Phù Mỹ giảm mạnh”.
Theo ông Ba, năm ngoái, diện tích ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ tăng đến hơn 1.000 ha, cao hơn nhiều so với những năm trước đây, năm nay chỉ còn 846 ha, tập trung ở các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Tài, Mỹ Quang.
Diện tích đã giảm, thời tiết lại bất thuận nên năng suất ớt cũng giảm mạnh. “Do thời điểm đầu vụ suốt cả tháng trời âm u, cây ớt bị thiếu ánh sáng nên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, gây mất năng suất. Nếu như năm ngoái mỗi sào ớt thu được 2 tấn thì năm nay chỉ còn 1,5 tấn quả.
Ở Phù Mỹ có nhiều đại lý thu mua ớt rất lớn như: Hiếu Cúc ở xã Mỹ Hiệp, Văn Hữu ở xã Mỹ Chánh đang thu mua rầm rộ. Năm nay mà năng suất đạt như năm ngoái thì người trồng ớt trúng to”, ông Ba nhận định.
Hiện nay, ớt ở Phù Mỹ đã thu hoạch xong khoảng 2/3 diện tích, những diện tích đang thu hoạch rơi vào thời điểm giá tăng cao nên lãi to.
Nông dân Nguyễn Văn Thái, người có thâm niên hơn 10 năm trồng ớt ở xã Mỹ Quang, tính toán: “Đầu tư cho mỗi sào ớt từ khi xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 3 triệu đồng. Năm nay, bình quân mỗi sào thu hoạch được 1,5 tấn ớt to, bán với giá 18.000đ/kg thì người trồng ớt thu được 27 triệu đồng. Trừ 3 triệu chi phí đầu tư, cầm chắc trong tay khoản lãi ròng 24 triệu đồng”.
Ở huyện Phù Cát, những người trồng ớt trà sớm thu hoạch từ trước tết đến nay đã kết thúc đang tiếc rẻ, vì khi thu thì giá bán còn thấp, đến khi cạn ớt thì giá tăng cao.
“Khi những nhà máy chế biến ớt đi vào hoạt động, đồng thời những đại lý thu mua ớt khác trên địa bàn đầu tư trang bị kho lạnh để trữ, nông dân sẽ yên tâm gắn bó với cây ớt”, ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ.
Tuy nhiên, những người trồng ớt trà muộn như ở xã Cát Tài hiện đang thu hoạch rộ rất phấn khởi. Hiện ở Phù Cát, ớt to (ớt chỉ địa) đang đứng giá 20.000đ/kg, ớt nhỏ (ớt chỉ thiên) là 30.000đ/kg.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm nay nông dân Phù Cát trồng đến 400 ha ớt, tăng nhiều so với những năm trước đây. Nếu như năm nay không bị mất năng suất thì người trồng ớt ở đây bội thu.
Trước đây, ớt to (ớt chỉ địa) ở Bình Định chỉ có 1 thị trường tiêu thụ duy nhất là Trung Quốc, mà đây là loại ớt nông dân trồng nhiều nhất. Khi thị trường này “đóng cửa” thì đầu ra của ớt chỉ địa lập tức lâm cảnh bế tắc.
Thế nhưng hiện nay, tại “thủ phủ” ớt Phù Mỹ đã xuất hiện nhà máy chế biến ớt khô lớn nhất miền Trung của ông Nguyễn Văn Hữu ở xã Mỹ Chánh, tạo thêm đầu ra cho cây ớt. Thêm vào đó, sắp tới đây đại lý thu mua ớt Hiếu Cúc tại xã Mỹ Hiệp sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tương ớt tại cụm Công nghiệp Đại Thạnh (Mỹ Hiệp) trên diện tích gần 5 ha, đầu ra sẽ rộng mở hơn.
Theo Nongnghiep.vn