Thương lái Trung Quốc đang lập một số điểm cân vải tại Thanh Hà (Hải Dương) và thu mua với giá khoảng 8.000 đồng một kg. Trong khi đó, doanh nghiệp về tận vườn trả cho bà con tối thiểu 10.000 đồng, thậm chí có ngày lên tới 15.000 đồng.
Vùng trồng vải Hải Dương bắt đầu vào mùa thu hoạch. Gia đình chị Nguyễn Thị Nụ (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh) là một trong 9 hộ trồng thuộc danh sách được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu. Năm nay, nhà chị trồng hơn 2 ha trồng theo đúng tiêu chuẩn VietGap, sản lượng đạt 12-14 tấn, tương đương năm trước nhưng chất lượng quả được đánh giá cao hơn.
Ông Nguyễn Đình An - trưởng nhóm trồng tại xã Hoàng Hoa Thám cho biết từ đầu tháng đến nay, doanh nghiệp tại TP HCM đã bao tiêu khoảng 18 tấn quả cho các hộ trồng. Sản lượng còn thấp so với diện tích 10 ha được quy hoạch đạt tiêu chuẩn của địa phương, song bù lại giá bán cao hơn mọi năm 1.000-2.000 đồng mỗi kg.
"Giá biến động từng ngày nhưng xu hướng chung là tăng lên, thậm chí có ngày riêng lô vải thu mua đi Mỹ, Australia đã được doanh nghiệp trả với mức 15.000 đồng mỗi kg”, vị này cho hay.
Trong khi đó, tại vùng vải Thanh Hà, một số thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua ở các điểm cân ven đường quốc lộ. Một số hộ trồng sốt ruột khi chưa được doanh nghiệp thông báo thu mua, nên cũng tìm đến đây bán cho các mối Trung Quốc.
“Hôm qua tôi hái sớm vài chục cân để bán cho điểm cân với giá 8.500 đồng mỗi kg, vẫn rẻ so với giá doanh nghiệp đảm bảo”, chị Lê Thị Huyền (thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy) khá sốt ruột vì vải chín rộ nhưng vẫn chưa có thông báo thu hoạch của doanh nghiệp.
Chị cho biết tầm này mọi năm hơn 100 hộ đã đồng loạt thu hoạch bán cho thương lái Trung Quốc, song năm nay do đã cam kết với trước với doanh nghiệp nên phải giữ cố đợi vừa giữ chữ tín vừa được giá.
"Tôi cũng nghe tại một số vùng trồng lân cận đã được thu mua, giá bán cho doanh nghiệp luôn trên 10.000 đồng, cao hơn mọi năm và cao hơn thương lái 1.000-1.500 đồng nên người trồng cũng yên tâm. Vài ngày tới nếu thu hoạch, hy vọng sẽ được giá. Chứ cứ bán bên ngoài vừa mất giá lại bị ép cân trừ bì đến vài cân lãi lời cũng không còn là bao", chị chia sẻ. Theo chị, với đà tăng giá như hiện nay, cuối vụ giá vải có thể trên dưới 20.000 đồng mỗi kg.
Trao đổi với VnExpress, ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty Rồng Đỏ cho biết theo kế hoạch, 3 tấn vải thiều đầu tiên xuất sang Australia phải được thu hoạch vào ngày 4/6. Tuy nhiên khi kiểm tra, dư lượng chất bảo vệ thực vật chưa đạt, kích thước quả và hàm lượng đường chưa đủ nên thời gian thu hoạch lùi lại 3 ngày .
“Đến khi thu hoạch thì trời lại mưa to ảnh hưởng đến chất lượng quả, việc thu mua cũng khó khăn. Hai ngày qua, công ty chỉ thu được vài tấn quả tại Hải Dương. Vài ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục thu mua để bà con yên tâm đồng thời kịp lượng hàng xuất vào 10/6", vị này lý giải.
Về mức giá, ông Thìn cho biết, do thị trường quyết định, song doanh nghiệp luôn đúng với cam kết trước đó là giá tối thiểu 10.000 đồng mỗi kg. "Tới đây, khi thu hoạch rộ, thương lái Trung Quốc sẽ cần nguồn hàng có thể trả giá cao hơn, chúng tôi vẫn đảm bảo mua chênh 10% so với thị trường", ông khẳng định.
Xưởng đóng gói vải tươi của Công ty Rồng Đỏ tại huyện Thanh Hà đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng vẫn đảm bảo mỗi ngày có thể đóng gói khoảng 10 tấn quả đủ tiêu chuẩn. Theo lãnh đạo công ty, thời gian tới khi xưởng hoàn thiện, công suất đóng gói lên tới 30-40 tấn quả tươi cho xuất khẩu và nội địa.
"Mới đây, phía đại diện Mỹ cũng đã công nhận quy trình đóng gói bảo quản tại xưởng này hoàn toàn hợp chuẩn. Các lô hàng vào TP HCM sẽ được chiếu xạ ngay thay vì đóng gói lại", ông chia sẻ.
Với chuyến vải đầu tiên sang Australia, vị này cho biết, nếu chất lượng tốt đáp ứng mọi điều kiện thì khả năng đối tác sẽ nhập tiếp khoảng 200 tấn quả tươi bằng đường hàng không thời gian tới.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó chủ tịch UNBD thị xã Chí Linh cho rằng quả vải được xuất khẩu là cơ hội để bà con vùng trồng vải nhận thức tầm quan trọng của việc sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo điều kiện việc tiêu thụ vải ổn định. Do vậy, lãnh đạo địa phương đang nỗ lực tuyên truyền để bà con giữ nguyên diện tích trồng vải, đồng thời mở rộng thêm các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap đáp ứng nhu cầu lớn khi có thị trường mới.
"Là năm đầu tiên thực hiện quy trình sản xuất mới cũng như tiếp cận thị trường do vậy sản lượng cũng như lợi nhuận với người trồng là chưa cao. Song, với mức giá thu mua ổn định như hiện nay cùng với cam kết từ doanh nghiệp sẽ giúp các hộ nông dân yên tâm gắn bó với loại cây trồng này", ông cho biết.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết trong tuần sau, sẽ tổ chức 100 điểm bán (cả buôn và lẻ) vải thiều Thanh Hà tại hệ thống cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại của công ty tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Doanh nghiệp sẽ thực hiện quy trình khép kín từ thu mua tại vườn, đóng gói bao bì, vận chuyển, bảo quản đến phân phối tận tay người tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, mặt hàng sẽ Hapro dán tem điện tử để người dân có thể truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm liên quan. |