Ưu tiên phát triển logistics và công nghiệp hỗ trợ
Tính đến nay, tỉnh BR-VT đã quy hoạch và đầu tư 14 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 8.400 héc ta và 52 bến cảng tổng hợp, cảng container. Các KCN trên địa bàn tỉnh hầu hết nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu, rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lĩnh vực công nghiệp chiếm 48% tổng vốn FDI, và dịch vụ cảng - logistics chiếm 9%. Các dự án công nghiệp chủ yếu tập trung trong các KCN, nhất là các KCN nằm dọc hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Còn các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ cảng - logistics tập trung cả trong và ngoài các KCN tại một số khu vực trọng điểm như: Cái Mép - Thị Vải, Vũng Tàu, Sao Mai - Bến Đình, Côn Đảo.
Riêng về công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, BR-VT đã xây dựng Đề án thành lập KCN chuyên sâu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó, Chính phủ thống nhất chọn KCN Phú Mỹ 3 là KCN chuyên sâu. Ngày 11-12-2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2715/QĐ-UBND phê duyệt Đề án KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, ban hành quy trình thủ tục đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; thành lập tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (đến nay đã bồi thường xong khoảng 700/999 héc ta); lập kế hoạch triển khai hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào KCN, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực...
KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đi vào hoạt động sẽ là động lực chính đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh BR-VT theo hướng công nghiệp hóa, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành chế tác có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao và trình độ quản lý cao. Ngoài việc tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, KCN chuyên sâu cũng sẽ giúp khai thác các nguồn lực của tỉnh.
Để tăng cường thu hút vốn FDI, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tạo chân hàng cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp và phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ, trong đó ưu tiên thu hút các lĩnh vực: dịch vụ logistics; công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp cơ bản (cơ khí, điện - điện tử, hóa chất), công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp lọc hóa dầu...
Đặc biệt, tỉnh không khuyến khích các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác không gắn với chế biến, sử dụng nhiều lao động phổ thông; các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và những lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Về đối tác đầu tư, BR-VT định hướng tập trung vào các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, hướng tới thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ và một số thị trường tiềm năng khác.
Tăng cường sự hỗ trợ cho nhà đầu tư triển khai dự án
Thời gian qua, BR-VT đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư để sẵn sàng đón dòng vốn nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ chủ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật KCN đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng để xúc tiến, thu hút đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt.
Song song với xúc tiến đầu tư, duy trì tổ công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk) tại BR-VT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính..., tỉnh cũng sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cũng như nguyện vọng của họ nhằm có hướng giải quyết phù hợp đối với từng dự án.
Riêng đối với đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ và đường biển, nối liền BR-VT với các tỉnh thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực để phục vụ tốt nhất cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.