|
Nhà tư vấn tài chính nổi tiếng thế giới cho biết ông không còn mặn mà với cổ phiếu Trung Quốc mà thay vào đó là chứng khoán Việt Nam.
Chia sẻ trên CNBC, nhà tư vấn nổi tiếng am hiểu về thị trường mới nổi, Marc Faber cho biết ông không còn liên quan tới cổ phiếu Trung Quốc sau khi thị trường này giảm kỷ lục, thay vào đó là chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng Macau niêm yết trên sàn Hong Kong và các cổ phiếu của các công ty khai khoáng.
"Tôi mua khi thị trường được định giá thấp và hấp dẫn, sau đó sẽ bán sớm. Do đó, chúng ta mua cổ phiếu vào khoảng một năm trước, tầm tháng 6, tháng 7 năm 2014", Faber - tác giả của báo cáo "Gloom, Boom and Doom" (tạm dịch: Ảm đạm, Bùng nổ và Bất hạnh) cho biết. Khi đề cập đến thị trường Trung Quốc, ông nói: "Bây giờ, tôi không nghĩ cổ phiếu nước này còn hấp dẫn và phải đứng sang một bên".
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua quãng thời gian khoảng loạn và có vẻ ổn định trở lại sau khi Chính phủ ra một loạt biện pháp cứu vãn. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 24% từ mức đỉnh lập được vào 12/6, nhưng vẫn tăng 21% kể từ đầu năm.
Faber cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm dần và mức 6-7% trở thành một niềm đáng mơ ước. Quốc gia này đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2015. Tuy nhiên, một báo cáo mới công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 7% trong quý II, sau khi đạt 7% trong quý đầu năm - mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Phía Australia dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc sẽ khoảng 6,75%. Như vậy, mức tăng trưởng 7% có thể sẽ là một giấc mơ xa xỉ. Đây có thể là con số được Chính phủ công bố nhưng sự thật là tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm dần", ông nói.
Thay vì đặt cược vào cổ phiếu Trung Quốc, Faber chọn thị trường khác để đầu tư, trong đó có chứng khoán Việt Nam - nơi đã tăng trưởng 16% trong năm nay. Việt Nam là quốc gia nổi trội ở châu Á với nền kinh tế tăng trưởng cao và giá cổ phiếu ở mức hợp lý. "Việt Nam hiện tại được đánh giá như Trung Quốc cách đây một năm với giá cổ phiếu tăng mạnh", Faber cho biết
Ngoài ra, danh mục đầu tư của Farber còn bao gồm cổ phiếu của các sòng bạc Macau, các kim loại như bạch kim, bạc, vàng hay những cổ phiếu liên quan.
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhận xét sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội đối với Việt Nam khi vốn rút ra khỏi nước này sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới.
Với việc kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục, các biện pháp cải cách thực hiện theo hướng mở mở hơn đối với quốc tế, BSC cho rằng Việt Nam đang nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo Chính phủ cần có những giải pháp để không đi vào vết xe đổ của Trung Quốc, chẳng hạn điều hành kinh tế phải thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, tránh tạo hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức, vượt ra ngoài sự kiểm soát của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chất lượng nhà đầu tư cũng phải được nâng cao và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực. Sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa qua cũng đến từ việc nước này có quá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy theo xu hướng đầu tư phong trào.
Theo số liệu từ Công ty Lưu ký và Thanh toán chứng khoán Trung Quốc, trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5/2015, nước này có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở. Riêng tháng 6/2015, Trung Quốc có thêm 7 triệu nhà đầu tư chứng khoán cá nhân. Tuy nhiên, hơn 68% trong số này chưa học hết phổ thông.
"Bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng", báo cáo nêu.
Theo VnExpress
|