Túi xách xuất khẩu của Việt Nam đang lập nên kỳ tích, khi đóng góp giá trị xuất khẩu ngày một lớn.
Theo báo cáo mới nhất của Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), giá trị xuất khẩu túi xách các loại trong 7 tháng qua ước đạt 1,67 tỷ USD. Với kết quả này, xuất khẩu túi xách đang có được mức tăng từ 15-17% liên tục từ đầu năm 2015 đến nay.
Mỹ là đối tác chính nhập khẩu túi xách, ví, vali, mũ và ô dù của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015, với 608 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2014. Tiếp theo là EU với 384 triệu USD, tăng 16,7%; Nhật Bản là 154 triệu USD, tăng 12,6% .
Công ty TNHH May Hoàng Gia, một trong những doanh nghiệp tư nhân, chuyên sản xuất, gia công túi xách, có nhà xưởng tại ấp Mỹ Hòa 3 (phường Tân Xuân, Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, đơn hàng xuất khẩu túi xách đang có nhiều tín hiệu tốt, sản phẩm có xuất xứ Việt Nam ngày càng được thị trường nước ngoài đánh giá cao.
Theo đại diện doanh nghiệp này, dù được thành lập từ năm 2003, nhưng phải tới năm 2008, Công ty mới chính thức xuất khẩu. Tính từ thời điểm đó tới nay, giá trị xuất khẩu túi xách đạt gần 5 triệu USD và năm 2015 này, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 500.000 USD.
Không giống những doanh nghiệp khác chỉ có khả năng làm gia công, với riêng May Hoàng Gia, 50% giá trị hàng xuất khẩu thu về là do Công ty tự thiết kế, sản xuất, còn lại là đang làm cho thương hiệu như Eastpak, Lammer, Bauer, Adidas, Nike, Redbook…
Nhận thấy cơ hội xuất khẩu của ngành túi xách, từ 4 năm trước, Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS Group) đã đầu tư xây dựng riêng một nhà máy sản xuất túi xách tại Bình Dương để hợp tác sản xuất túi xách. Nhà máy được xây dựng, lắp đặt thiết bị đúng tiêu chuẩn toàn cầu với quy mô 3.000 công nhân, bao gồm cả xưởng thiết kế và sản xuất mẫu. Ngay khi nhà máy đi vào hoạt động, TBS Group đã ký hợp đồng trị giá 10 triệu USD để sản xuất túi xách cao cấp xuất sang Mỹ.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Thương mại Xuân Phong (TP.HCM) cho biết, mới đây, một doanh nghiệp Nhật Bản vừa thông qua Công ty Xuân Phong tìm đối tác làm hàng xuất đi Nhật. Đơn hàng gia công túi xách lần này có giá trị trên 1 triệu USD/năm. Yêu cầu của đối tác là tìm doanh nghiệp chỉ cần quy mô từ 50 máy may trở lên, nhưng chủ doanh nghiệp phải có kinh nghiệm quản lý và phát triển theo hướng xuất khẩu để sản xuất hàng theo tiêu chuẩn thị trường Nhật Bản. Qua đó, có thể thấy, thị trường xuất khẩu mặt hàng này rất rộng lớn, các doanh nghiệp không cần quy mô lớn lắm cũng có cơ hội tham gia.
Năm 2014, xuất khẩu nhóm hàng túi xách, ô dù đạt hơn 2 tỷ USD. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, với tín hiệu thị trường như 6 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu thu về cho cả năm có thể sẽ lên tới 2,5 - 2,6 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, nhiều cơ hội đang mở ra cho ngành túi xách trong nước, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để nắm bắt cơ hội hay không.
Ông Thuấn cho biết, các thương hiệu túi xách có tiếng lâu nay tập trung sản xuất tại Trung Quốc, đang có lộ trình giảm phụ thuộc vào thị trường này và không ai khác, Việt Nam sẽ là điểm đến của họ để gia công. Nếu doanh nghiệp trong nước có sự đầu tư bài bản, đồng bộ để đáp ứng các đơn đặt hàng từ các thị trường lớn, thì việc gia tăng cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà nhập khẩu lớn là không khó, nhất là thời điểm này Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. “Chỉ riêng đơn hàng của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, đã đủ để doanh nghiệp làm không hết việc”, ông Thuấn nói.
Theo Báo Đầu tư