Hoạt động vận tải biển tiếp tục thu được kết quả tích cực
Xét về năng lực vận tải, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT - HOSE)hiện là đơn vị vận tải hàng lỏng lớn nhất trong số các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, chiếm 33% tổng trọng tải cả nước, theo sau bởi Petrolimex (25%), Vinalines (17%). PVT gần như được độc quyền trong vận chuyển dầu thô, dầu sản phẩm (30% thị phần), khí (90% thị phần). So với các đơn vị vận tải khác, PVT đang được hưởng khá nhiều thuận lợi từ các đơn vị thành viên PVN mang lại.
Trong đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động ổn định trở lại với công suất tối đa (6,5 triệu tấn) và nhu cầu sử dụng nguyên liệu dầu thô trong nước tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, PVT cũng có kế hoạch đầu tư thêm 1 tàu chở dầu sản phẩm trọng tải 13.000DWT vào quý 3/2015.
Tàu FSO Đại Hùng Queen đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 5/2015 góp phần cải thiện lợi nhuận do tỷ suất lợi nhuận của tàu FSO/FPSO cao hơn các tàu khác. Tàu FSO Đại Hùng Queen sẽ hoạt động suốt nửa cuối năm 2015, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của PVT.
PVT đã ký được hợp đồng vận chuyển than dài hạn với Vinacomin. Với nhu cầu vận chuyển than tăng cao trong 6 tháng cuối năm, PVT sẽ đầu tư 01 tàu hàng rời trọng tải 30.000 DWT vào cuối năm 2015.
Ngoài ra, giá dầu đã được điều chỉnh giảm ở mức thấp, ổn định quanh mức 50- 60USD/thùng giúp PVT tiết kiệm được chi phí nguyên liệu trong khi cước thuê tàu của PVT không bị ảnh hưởng nhiều. Dự kiến nửa cuối năm 2015, giá dầu thô cũng vẫn sẽ ổn định trong mức 50-60 USD/thùng.
PVT sẽ cần đầu tư 506 triệu USD cho đội tàu
PVT đã ước tính kết quả kinh doanh cho năm 2015 với doanh thu ước tính 5.594 tỷ, lợi nhuận trước thuế ước tính 500 tỷ, lần lượt tăng 6,2% và 2,9% so với thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, nếu loại trừ đi khoản lợi nhuận bất thường do thanh lý tàu FSO Kamari năm 2014, lợi nhuận trước thuế ước tính năm 2015 của PVT tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng với EPS năm 2015 sẽ vào khoảng 1.465 đồng/cp và P/E ở mức 8,6 lần, tương đối hấp dẫn đề đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh ngành vận tải biển đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong dài hạn, PVT sẽ có nhiều cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh do các dự án nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Vũng Rô, LHD Long Sơn), nhà máy nhiệt điện (Vũng Áng 1, Thái Bình 2,..), dự án về khí (kho cảng LNG Thị Vải, Nhà máy GPP Cà Mau, kho cảng Sơn Mỹ Bình Thuận) của PVN sẽ được triển khai trong thời gian tới kéo theo nhu cầu vận chuyển lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, PVT cũng cần nhu cầu về vốn khá lớn để mua thêm tàu. Theo kế hoạch, PVT sẽ cần đầu tư 506 triệu USD cho đội tàu, lớn hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu hiện tại.
Theo Người đồng hành.