|
Dù tích cực tìm đến khách hàng, có nhiều loại hình dịch vụ vận tải mới cùng chính sách khuyến mại hấp dẫn...
Dù tích cực tìm đến khách hàng, có nhiều loại hình dịch vụ vận tải mới cùng chính sách khuyến mại hấp dẫn nhưng Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn và đang đau đầu giải bài toán tăng thị phần vận tải đường sắt.
Tính toán hạ giá thành vận tải
Ông Mạnh Đức Chinh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sơ bộ 7 tháng đầu năm 2015, tấn xếp hàng hóa thực hiện được gần 90% kế hoạch; Hành khách lên tàu cũng chỉ được hơn 87% kế hoạch. Tổng doanh thu được gần 1.596 tỷ đồng, bằng hơn 87% kế hoạch. Nguyên nhân không đạt kế hoạch như mong muốn, theo ông Chinh là do sản lượng hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai sụt giảm nghiêm trọng sau khi đường bộ cao tốc đi vào khai thác. Hơn nữa, hàng từ miền Trung, miền Nam xuất sang Trung Quốc gần đây hầu như không có...
"Cơ chế trong nội bộ phải thực sự thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, đơn vị chủ động trong SXKD nhưng họ phải chịu trách nhiệm về kết quả SXKD của mình. Đồng thời, phải thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ”.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên Trưởng ban Vận tải - Đầu máy toa xe TCT Đường sắt VN |
Làm thế nào để tăng sản lượng, doanh thu trong điều kiện vận tải đường sắt đang ở “thế yếu” so với ô tô trong vận tải đường ngắn với hàng loạt đường cao tốc đã và sắp khai thác? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Vận tải - Đầu máy toa xe TCT Đường sắt VN cho rằng, yếu tố hàng đầu vẫn là giảm giá thành vận tải để có được giá vé, giá cước hấp dẫn, có thể cạnh tranh được với các phương tiện vận tải khác. Theo ông Tuyên, phải rà soát lại tất cả các chi phí, kể cả trong quản lý nhân lực. Như việc nối xe chạy tàu khách phải khả thi và bám sát nhu cầu thực tế. “Nhu cầu của hành khách như thế nào nối xe như thế ấy, tránh lãng phí phương tiện (toa xe, sức kéo) khi nối nhiều xe nhưng hệ số chiếm chỗ thấp, có vậy mới góp phần giảm chi phí về nhân công, nhiên liệu”, ông Tuyên nói.
Đồng quan điểm với ông Tuyên, ông Trần Quốc Đạt, Thành viên HĐTV Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho rằng, cần phải rà soát lại tất cả các khâu, các bộ phận để tìm ra những chi phí bất hợp lý, xem xét điều chỉnh, cắt giảm, góp phần giảm giá thành vận tải, từ đó đưa ra giá bán hợp lý. Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, để hấp dẫn khách hàng không nhất thiết phải giảm giá cước. Nếu giá cước đường sắt rẻ đồng hạng như ô tô đường ngắn mà dịch vụ xếp dỡ hai đầu đắt khiến tổng chi phí đội lên cũng không thu hút được khách hàng. Vì vậy, cần xem xét giảm giá cước ở từng khu vực, từng đối tượng khách hàng, loại hàng cụ thể.
“Ngay cả việc sửa chữa toa xe cũng phải ưu tiên cho loại xe khách hàng đang có nhu cầu cao để có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu, góp phần kích cầu”, ông Đạt nói.
Cơ chế, chính sách linh hoạt, thông thoáng
Ông Nguyễn Hữu Tuyên cho rằng, cần có cơ chế, chính sách linh hoạt đối với các đơn vị trong công ty và khách hàng. Với khách hàng, cần có cơ chế linh hoạt, nhất là chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng để không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn “giữ chân” họ với đường sắt, trong đó đặc biệt quan tâm biện pháp hợp tác đầu tư cùng khai thác. Ngay cả các đối tác là đơn vị trong ngành cũng cần quan tâm để vừa có sự cạnh tranh lành mạnh vừa có sự hợp tác chặt chẽ cùng nâng cao thị phần vận tải đường sắt.
Liên quan đến giải pháp tăng thu, theo ông Trần Quốc Đạt, cần tháo gỡ ngay những “nút thắt” trong nội bộ. Trong đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tương xứng với điều kiện từng chi nhánh để nâng cao vai trò của chi nhánh nhưng đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chủ động trực tiếp SXKD.
Ông Nguyễn Việt Thắng, PGĐ Chi nhánh Vận tải đường sắt Hà Nội cho rằng, cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận, nhất là trong việc không hoàn thành các công việc liên quan đến khách hàng. “Cần quy định cụ thể thời gian phải hồi âm các yêu cầu vận chuyển của khách hàng, nếu cá nhân, bộ phận nào không thực hiện phải có hình thức xử lý kiên quyết”, ông Thắng nêu ví dụ.
“Nếu không tăng được thị phần là thất bại. Vì vậy, để tăng sản lượng, doanh thu cần thực hiện nhiều biện pháp. Tuy nhiên, việc nào dễ. cần khẩn trương thực hiện ngay; việc nào khó thì xây dựng kế hoạch thực hiện. Đặc biệt, phải xây dựng cơ chế rõ ràng, rành mạch nhưng linh hoạt đối với từng đơn vị, cá nhân và cả từng đối tượng khách hàng, khi đó mới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển SXKD”, ông Nguyễn Viết Hiệp, TGĐ Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội nhấn mạnh.
Theo Báo Mới.
|