Tại hội thảo “Bước ngoặt kinh tế năm 2016 nhìn từ các FTA, AEC và TPP - Vai trò của Nhà nước và áp lực cạnh tranh doanh nghiệp” được tổ chức tại Cần Thơ hôm 29-7 vừa qua, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra gợi ý nếu có được tuyến đường sắt kết nối đến cảng Da Wey (Myanmar), thì cảng Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế tân tiến nhất, đưa kinh tế Việt Nam nói riêng và của cộng đồng kinh tế ASEAN nói chung bứt phá trong thời gian tới.
Hiện tại thì Chính phủ vẫn chưa có đề án hay kế hoạch nào bàn về việc sẽ thực hiện một dự án như gợi ý của ông Thiên, tuy nhiên, đứng ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông cho biết đó là một hướng đi, có thể giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Bên lề hội thảo nói trên, ông Thiên cho biết cảng Cái Mép- Thị Vải hiện đang là cảng trung chuyển quốc tế, nhưng chỉ mới hoạt động được khoảng 14-15% công suất, kể cả về mặt chiến lược, nó cũng rất khó đạt công suất tối đa do một phần bị chia sẻ nguồn hàng với cảng ở TPHCM. “Nhưng nếu có được tuyến đường sắt nối đến cảng Da Wey (Myanmar), thì cảng Cái Mép- Thị Vải sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế tân tiến nhất”, ông gợi ý.
Vì sao? Ông Thiên lý giải: “Khu cảng Da Wey đã kết nối được với các cảng lớn của Ấn Độ - một nền kinh tế đang bùng nổ - và khi chở hàng bằng đường sắt từ Da Wey qua bên này (giả định khi dự án được triển khai), nghĩa là không phải chở vòng bằng đường biển, giúp rút ngắn khoảng cách được khoảng 2.500 km, tiết kiệm chi phí rất lớn”.
Theo ông Thiên, dọc tuyến đường từ cảng Cái Mép - Thị Vải sang cảng Da Wey sẽ xuyên qua các quốc gia như Lào, Thái Lan, Campuchia, cho nên dự báo lượng hàng hóa lưu thông qua lại giữa những quốc gia này sẽ rất lớn. “Và khi đó, logistic của chúng ta là logistic trên cả tuyến ASEAN”, ông nói.
Thêm vào đó, cũng theo ông Thiên, tuyến đường kết nối đến cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trong tương lai, “cho nên nỗ lực để cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế cũng có tác động rất lớn đến vai trò của cảng hàng không quốc tế Long Thành”, ông cho biết.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, nếu tuyến đường này được xây dựng, sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực ASEAN nói chung và nhất là 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam- những quốc gia kém phát triển trong khối ASEAN- bùng nổ trong tương lai.
Theo ông Thiên, tọa độ của 4 quốc gia này nằm ở vị trí chiến lược gắn với hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, cho nên, nếu được xử lý tốt, thì những nước này có thể tạo ra sự bùng nổ mới trong cộng đồng kinh tế ASEAN.
Cụ thể, theo tuyến đường dọc (Bắc-Nam), từ Trung Quốc có những tuyến đường kết nối xuống Myanmar, xuống Lào rồi đi xuống Campuchia, Thái Lan, tuyến đi xuống Việt Nam; còn tuyến đường ngang (hành lang Đông - Tây), sẽ kết nối giữa cảng Cái Mép - Thị Vải đến cảng Da Wey, tạo thành một trục dài xuyên qua một số nước và kết nối luôn đến các cảng lớn của Ấn Độ như đã đề cập ở trên.
Theo ông Thiên, nếu có sự thống nhất giữa các nước (vì tuyến đường này xuyên qua một số nước trong khu vực) và hình thành, kết nối được tuyến đường này một cách hoàn chỉnh, thì khu vực ASEAN nói chung và 4 nước nêu trên nói riêng sẽ là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và đây sẽ là cơ hội cho các nước tự bứt phá.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.