|
Phía Việt Nam đề nghị phía Thái Lan tạo điều kiện và giảm thiểu thủ tục hành chính cho tầu, hàng hóa, thuyền viên khi vào cảng Thái Lan; giảm các phí, lệ phí thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu ở mức hợp lý.
Bên lề cuộc họp nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3 vừa diễn ra giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayut Chan Ocha, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan xung quanh các nội dung triển khai hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải mà hai nước đã trao đổi.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Giao thông Vận tải) xung quanh những nội dung làm việc tại cuộc họp này.
- Là thành viên trong đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam sang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan, ông có thể chia sẻ những nội dung chính mà hai bên đã trao đổi trong vấn đề hợp tác về giao thông vận tải?
Ông Phạm Thanh Tùng: Trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Thái Lan vừa qua, đoàn đại biểu Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan Prachin Chantong để tiếp tục triển khai các nội dung mà trước đó Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan đã làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hồi tháng Năm vừa qua tại Hà Nội.
Tại cuộc họp lần này, Bộ Giao thông Vận tải hai nước đã trao đổi nhiều vấn đề lớn.
Về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy vận tải đường bộ, đặc biệt là vận tải đường bộ qua trục Đông-Tây kết nối Việt Nam-Lào với Thái Lan, trước hết, phía Thái Lan đề nghị thống nhất mở tuyến xe buýt kết nối giữa ba nước Việt Nam-Lào-Thái Lan.
Việc mở tuyến xe buýt này theo đánh giá không những đáp ứng nhu cầu chung của hai nước, nhưng trước hết là mong mỏi tha thiết của tỉnh Hà Tĩnh khi có tuyến xe buýt nối với các tỉnh Đông Bắc của Thái Lan.
Về mở tuyến xe buýt này, hai bên đã thống nhất sẽ có cuộc họp ba bên gồm Việt Nam, Lào và Thái Lan để họp bàn cụ thể, đặc biệt là kế hoạch triển khai chi tiết.
Trong cuộc họp cuộc họp ba bên đầu tiên này, phía Thái Lan đề nghị Việt Nam đứng ra chủ trì. Qua làm việc với Bộ Giao thông Công chính của Lào, phía Lào cũng đã thống nhất trong nửa cuối tháng Tám tới sẽ tổ chức cuộc họp này tại Hà Nội.
Để thúc đẩy hợp tác có hiệu quả kết nối giao thông giữa hai nước, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đề nghị bổ sung tuyến Nong Khai (Thái Lan)-Vientiane (Lào)-Hà Nội (Việt Nam). Lựa chọn một trong năm tuyến vận tải hành khách giữa Việt Nam-Lào-Thái Lan để thí điểm tổ chức mời các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước giữa các bên cùng nhau tham gia khảo sát về hành trình, tuyến đường, nhu cầu vận chuyển hành khách, biển báo, cơ sở hạ tầng đường bộ giữa các bên...
Tại cuộc họp, hai bên nhất trí thành lập nhóm đặc trách chung để thực hiện nghiên cứu về phát triển vận tải ven bờ kết nối giữa Việt Nam-Campuchia-Thái Lan. Phía Thái Lan đã mời Campuchia tham gia nhóm công tác ba bên và đã đưa ra tại cuộc họp đề xuất chương trình hành động, nội dung bao gồm việc tổ chức ba cuộc họp nhóm công tác do các nước liên quan chủ trì và một chuyến khảo sát tuyến vận tải thương mại ven biển.
Cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác sẽ do Thái Lan tổ chức và sẽ mời Việt Nam và Campuchia tham dự, dự kiến vào tháng Tám để xem xét dự thảo, điều khoản tham chiếu của nhóm công tác và trao đổi thông tin về các các cảng và hạ tầng hỗ trợ phát triển vận tải ven bờ.
Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng hải, phía Việt Nam cũng đã đề nghị Thái Lan công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo Công ước STCW (Công ước Quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện cấp bằng và trực ca cho thuyền viên) để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của các thuyền viên hai nước.
Phía Việt Nam đề nghị phía Thái Lan tạo điều kiện và giảm thiểu thủ tục hành chính cho tầu, hàng hóa, thuyền viên khi vào cảng Thái Lan; giảm các phí, lệ phí thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu ở mức hợp lý.
Hai bên sớm thành lập nhóm nghiên cứu về tuyến vận tải ven bờ từ bờ biển phía Đông của Thái Lan tới bờ phía Nam của Việt Nam để thúc đẩy việc mở tuyến (nghiên cứu chủng loại hàng hóa, loại tàu, cảng biển kết nối...). Hai bên cũng thống nhất tạo thuận lợi cho hoạt động của các hãng hàng không hai nước.
Đối với các hãng hàng không liên doanh Việt-Thái, hai bên thống nhất Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan sẽ hỗ trợ cho hoạt động của liên doanh, bao gồm chính sách ưu đãi và các hỗ trợ khác.
Liên doanh hàng không Thai-Vietjet đã chính thức được thành lập tại Thái Lan. Thai-Vietjet đang gấp rút hoàn tất các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đi vào khai thác các chuyến bay thường lệ nội địa và quốc tế đến/đi từ Thái Lan vào tháng 9/2015.
Để tạo thuận lợi cho sự phát triển của liên doanh hàng không Thai-Vietjet, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan xem xét hỗ trợ sớm cấp phép khai thác thương lệ (AOL) cho liên doanh này. Đại diện của Cục Hàng không Thái Lan cũng đã trả lời trong tháng Tám này sẽ cấp phép cho liên doanh Thai-Vietjet thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế.
- Để hiện thực hóa các nội dung hợp tác về giao thông vận tải đường bộ giữa hai nước, công tác chuẩn bị sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Tùng: Về công tác chuẩn bị để hiện thực hóa các cam kết trên, trước tiên chúng tôi phải xem xét, bàn bạc cùng nhau các nội dung liên quan đến việc mở các tuyến vận tải như trên. Việc mở các tuyến này bao gồm những yếu tố để tạo thuận lợi cho các bên tham gia, bởi một trong những yếu tố để mở tuyến vận tải là nhu cầu, phải có nhu cầu thì mới mở tuyến được.
Như vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị, tiến hành khảo sát và có báo cáo đánh giá về nhu cầu hành khách vận chuyển từ Việt Nam thông qua các tuyến đường 9, đường 8, đường 12 sang Lào và Thái Lan với số lượng cụ thể. Ngược lại chúng ta cũng phải đề nghị với Thái Lan, Lào cũng phải chuẩn bị những thông số tương tự như vậy.
Vấn đề tiếp theo cũng phải bàn bạc và chuẩn bị đó là sẽ có những trở ngại như thế nào khi thực hiện những chuyến vận tải này; trong đó phải nêu rõ và chi tiết các điểm nghỉ, điểm dừng chân, thời gian cụ thể cho hợp lý và việc tổ chức tuyến, cũng phải thống nhất với nước bạn là khi trên tuyến đi qua các cửa khẩu hiện tại có vướng mắc gì không về thủ tục giấy tờ, kiểm soát an ninh, hải quan.... Tiếp theo là bàn về các vấn đề kỹ thuật, chủng loại xe là bao nhiêu, số lượng xe, tần xuất...
Nói tóm lại, tất cả các vấn đề liên quan cần phải chuẩn bị và trao đổi cụ thể. Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã giao cho Tổng cục đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm nghiên cứu để đưa ra đề cương trao đổi, thảo luận giữa các bên và tiến tới thỏa thuận này sẽ được ký kết giữa ba Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Bên cạnh đó, cũng liên quan đến hành lang Đông-Tây, Việt Nam và Thái Lan tiếp tục trao đổi, bàn bạc các vấn đề liên quan đến phát triển vận tải du lịch như các thỏa thuận đã ký trước đó.
- Ông có thể đánh giá những khó khăn sẽ gặp phải khi thực hiện sự hợp tác vận tải đường bộ giữa hai nước?
Ông Phạm Thanh Tùng: Có thể nói khi thực hiện các tuyến vận tải xuyên Quốc gia chúng ta phải lường trước rất nhiều những khó khăn. Ở đây, cụ thể khó khăn chính là cách thức tổ chức tuyến vận tải, vấn đề quảng bá, quảng cáo như thế nào..., việc tạo thuận lợi cho hành khách đi trên đường ra sao thì mới có thể duy trì được các tuyến vận tải đó một cách lâu dài, bền vững.
Nếu như chúng ta mở tuyến vận tải nhưng chi phí đi lại cao, dịch vụ kém thì sớm muốn sẽ thất bại, hành khách sẽ không đi nữa. Mặt khác, đây là tuyến vận tải xuyên quốc gia vì thế sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi công vụ về kiểm tra, kiếm sát tại các cửa khẩu cũng rất phức tạp.
Để có sự thống nhất giữa các cơ quan này, đòi hỏi các cơ quan cửa khẩu của Việt Nam với Lào và giữa Lào với Thái Lan cần duy trì thông tin thông suốt giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trên tuyến một cách nhanh nhất, qua đó tạo thuận lợi cho hành khách đi lại...
- Xin cảm ơn ông./.
Theo TTXVN/Vietnam+
|