Với việc thông xe cầu Mỹ Lợi, người dân 2 tỉnh Long An và Tiền Giang không còn cảnh phải đi phà, rút ngắn thời gian đi TP HCM
Cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ, nối 2 tỉnh Long An và Tiền Giang đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày 29-8, sau 20 tháng thi công. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đến dự lễ thông cầu, hòa cùng niềm vui với người dân nơi đây.
Mơ ước từ lâu
Theo thiết kế, cầu Mỹ Lợi dài hơn 2,7 km, trong đó phần cầu dài hơn 1,4 km. Mặt cầu rộng 12 m, bảo đảm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ tối đa 80 km/giờ. Cầu nối Quốc lộ (QL) 50 tại địa phận huyện Cần Đước (Long An) và thị xã Gò Công (Tiền Giang), được khởi công vào tháng 1-2014 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng vốn đầu tư 1.438 tỉ đồng.
QL50 bắt đầu từ TP HCM đi qua các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) và kết thúc tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Khi cầu Mỹ Lợi chính thức thông xe, người dân các huyện phía Đông Tiền Giang như Tân Phú Đông, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công sẽ rút ngắn thời gian đi TP HCM so với đi theo QL1 như lâu nay. Theo đó, từ TP HCM đến ranh giới Long An - Tiền Giang (tại cầu Mỹ Lợi) chỉ hơn 30 km.
Từ chiều 28-8, có hàng trăm người dân ở các huyện phía Đông Tiền Giang đến đây để ngắm cây cầu mà họ từng mơ ước. Ông Trần Văn Tư (62 tuổi, ngụ xã Bình Đông, thị xã Gò Công) sinh sống gần phà Mỹ Lợi từ nhỏ. Cứ mỗi lần có việc đi TP HCM, ông phải đợi phà mất thời gian khá nhiều. Những ngày cao điểm lễ, Tết thường gặp phải cảnh kẹt phà, phương tiện giao thông rồng rắn xếp hàng rất khổ sở. “Cây cầu này đã nối đôi bờ nhịp vui cho người dân ở đây, từ nay không còn cảnh phải đi phà, ai cũng vui mừng” - ông Tư phấn khởi.
Trước đây, việc đi lại của người dân từ tỉnh Long An qua Tiền Giang và ngược lại trên QL50 phải dùng phà để vượt sông Vàm Cỏ. Việc này ảnh hưởng đến lưu thông xe trên toàn tuyến, hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực lân cận. Mặt khác, đường dẫn xuống phà hẹp, thường xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải nên cây cầu này sẽ làm đà đưa kinh tế của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An nói riêng và các địa phương ĐBSCL nói chung phát triển.
Phát huy tối đa công năng
Sáng sớm 29-8, hàng ngàn người dân các nơi đổ về cầu Mỹ Lợi để chờ đợi thời khắc lịch sử chấm dứt sứ mệnh lịch sử của các con phà. Gần 40 năm mưu sinh ở bến phà Mỹ Lợi, bà Nguyễn Thị Bảy nuôi 2 con khôn lớn, vào đại học. Bà tâm sự: “Cả đời gắn bó với bến phà nên việc làm của tôi cũng bị ảnh hưởng. Buồn thì có buồn nhưng tôi cũng vui lây vì thông thương thuận lợi, đời sống bà con sau này chắc khác hơn trước. Từ nay, các con tôi đi học ở TP HCM không còn phải lụy phà nữa rồi”.
Hòa cùng niềm vui với người dân, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng dự án cầu Mỹ Lợi được Chính phủ phê duyệt từ lâu nhưng do thiếu kinh phí nên phải tạm dừng nhiều năm. Mãi đến khi chuyển qua hình thức đầu tư BOT, liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty Cổ phần Bê tông 620 Long An ứng vốn thì việc đầu tư xây dựng cầu mới được triển khai.
“Hai tỉnh Long An và Tiền Giang cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các dự án dịch vụ, khu công nghiệp, cảng biển... để phát huy tối đa công năng do cầu Mỹ Lợi đem lại” - ông Thế kêu gọi.
Sẽ thu phí từ tháng 11-2015
Tại buổi lễ thông xe cầu Mỹ Lợi, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư dự án cầu Mỹ Lợi) cho biết việc thu phí qua cầu Mỹ Lợi dự kiến được triển khai vào tháng 11-2015. Thời gian thu phí thực hiện trong khoảng 28 năm 4 tháng. Do đang tính toán nên mức thu phí chưa được công bố.
Theo Người lao động.