Theo kế hoạch, đến năm 2030, nước ta sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h), đường dôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao 350km/h..
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, sẽ quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam, chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển của các lĩnh vực giao thông vận tải khác và các quy hoạch có liên quan; phát triển mạng đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, các khu công nghiệp và các quốc gia có chung biên giới để thúc đẩy hội nhập quốc tế; nhanh chóng phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt trong vận tải công cộng tại các thành phố lớn, trước mắt ưu tiên Thủ đô Hà Nội và TPHCM.
Từng bước nâng cao thị phần vận tải và phát triển vận tải đường sắt theo hướng hiện đại, chất lượng cao, chi phí hợp lý, nhanh, an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội; phát triển mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics và các công trình hỗ trợ cho vận tải hàng hóa...
Cụ thể, về vận tải đường sắt, phấn đấu giao thông vận tải đường sắt đáp ứng khoảng 3-4% về nhu cầu vận tải hành khách và khoảng 4-5% về nhu cầu vận tải hàng hóa trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành giao thông vận tải; tập trung phát triển dịch vụ vận tải đường dài; phát triển nhanh dịch vụ vận tải khối lượng lớn; mở rộng liên kết vận tải quốc tế, khu vực và các quốc gia có chung biên giới.
Về kết cấu hạ tầng, bên cạnh việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có sẽ tiến hành xây dựng một số tuyến đường sắt mới như: xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt ven biển; nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên...
Về vận tải hành khách sẽ tập trung phát triển dịch vụ vận tải đường dài với cự ly từ 300km đến 500km trên trục Bắc – Nam, Đông – Tây và dịch vụ vận tải đường sắt đô thị, đường sắt nội – ngoại ô.
Về kết cấu hạ tầng, đối với đường sắt xây dựng mới sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng toàn tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, dài 129km.
Nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm; trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Thủ đô Hà Nội và TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng.
Điểm đặc biệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt là theo kế hoạch đến năm 2030, nước ta sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h), đường dôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao 350km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc – Nam theo khả năng huy động vốn.
Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, công nghiệp, du lịch: Diêu Trì – Nhơn Hội; Vũng Áng – Mụ Giạ kết nối với đường sắt Lào; Cảng Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo; đường sắt vào cảng nội địa ICD Hương Canh (Vĩnh Phúc); Nam Định – Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ….
Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên: ĐắK Nông – Kon Tum – Đắk Lắk – Bình Phước dài 550km; Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột dài 169km….
Theo infonet.vn