Nhận xét trên được ông Julien Brun, Tổng Giám Đốc CEL Consulting, một công ty tư vấn hoạt động trong lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng, chia sẻ cuối tuần qua.
Cụ thể hơn, ông Brun phân tích, trong 5 năm vừa qua, mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử đang dần xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Một loạt các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã và đang tiếp tục được mở ra tại các điểm dân cư đông đúc tại các thành phố lớn.
Hiện nay, với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam có chưa đến 500 cửa hàng tiện lợi trong khi Thái Lan với dân số 60 triệu người đã có 10.000 cửa hàng; và Nhật Bản với khoảng 130 triệu người có tới 50.000 cửa hàng.
Sự phát triển của kênh bán hàng tiện lợi yêu cầu hoạt động vận tải có khả năng giao hàng nhỏ lẻ, thường xuyên và đúng hẹn, nhằm cho phép loại bỏ tồn kho tại cửa hàng và tối ưu hóa diện tích bán hàng nhưng không để xảy ra trường hợp mất doanh số do hết hàng.
Song song với kênh bán hàng tiện lợi, mô hình thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 4 về tốc độ phát triển TMĐT tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Brun nói và chia sẻ thêm rằng, theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, trong năm 2014, doanh số bán hàng của kênh TMĐT đạt 2,97 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 2,12% tổng doanh thu bán lẻ.
Đặc thù của kênh TMĐT là khả năng bán hàng phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn thông qua mạng internet. Tuy nhiên, cũng chính vì độ phủ lớn mà gánh nặng về chi phí logistics cũng là một bài toán nhức nhối cho các doanh nghiệp TMĐT. Tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn, độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành là đặc điểm quan trọng của logistics phục vụ cho kênh TMĐT.
Bên cạnh đó, việc giao hàng, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhanh, hiệu quả đến ngoại thành, nông thôn và vùng sâu vùng xa hiện đang tồn tại nhiều vấn đề cũng là một cơ hội khác cho các doanh nghiệp vận tải.
Đánh giá về tình hình hiện tại, ông Brun cho rằng thị trường vận tải của Việt Nam còn nhiều phân mảnh, với 92% số xe tải – tương ứng khoảng 700.000 chiếc – đăng ký kinh doanh vận tải thuộc về các chủ xe cá thể. Và đại đa số các công ty vận tải vẫn còn quy mô nhỏ với trung bình 10 xe tải. Cách thức tổ chức hoạt động vận tải vẫn còn thiếu hiệu quả, với hơn 70% các lượt xe không có hàng chở trong chuyến về, và 30% thời gian sử dụng xe bị hao hụt do phân bổ không hợp lý và chờ đợi chất xếp hàng hóa. Giải quyết được các vấn đề này sẽ là lợi thế của doanh nghiệp vận tải trong cuộc cạnh tranh giành cơ hội từ thị trường, ông Brun nói.
Nói rộng ra, ở tầm vĩ mô, xét chung cả ngành logistics, tức bao gồm cả vận tải, kho bãi, quản lý hàng tồn kho …, ngành logistic chiếm khoảng 20% GDP Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 16 – 20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài logistics còn rất thấp, từ 25-30%, trong khi Nhật Bản và các nước Châu Âu, Mỹ trên 40%; Trung Quốc là 63,3%. Nếu lấy tổng GDP Việt Nam năm 2014 là 186,2 tỉ đô la Mỹ (theo dữ liệu của World Bank), quy mô của thị trường logistics khoảng 37,24 tỉ đô la Mỹ, đây là một con số không nhỏ, ông Brun chia sẻ.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.