Cả Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đều đã yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải theo đà giảm liên tiếp của giá xăng dầu nhưng dường như lời nói chỉ là gió bay.
Giá xăng dầu trong nước liên tục giảm kể từ đầu tháng 7 tới nay với mức giảm tổng cộng khoảng 2.000 đồng/lít xăng. Trong khi đó, theo tính toán, chi phí xăng dầu chiếm tới khoảng 35%-40% giá thành cước vận tải. Vì thế, giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua đã đặt ra yêu cầu giá cước vận tải phải giảm với mức tương ứng.
Đó cũng là lý do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cách đây vài ngày đã có văn bản gửi các sở GTVT địa phương yêu cầu hối thúc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Bộ GTVT nhấn mạnh việc điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu là góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã lên tiếng đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành… yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá cước, đồng thời nêu cả hướng chế tài xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp chây ì, không chịu giảm giá.
Thế nhưng, đáp lại vẫn chỉ là sự im lặng của các doanh nghiệp vận tải. Hiện cũng chưa thấy các cơ quan quản lý nhà nước có động thái kế tiếp để xử lý doanh nghiệp vận tải cố tình không chịu giảm giá.
Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp dùng dằng với giá cước. Đầu năm nay, khi giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng từng thúc giục các doanh nghiệp “hành động”. Song, người tiêu dùng chờ mãi mới thấy doanh nghiệp giảm giá cước nhỏ giọt, giảm cho có, chẳng bù với động thái tăng nhanh khi giá xăng tăng.
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, tổ chức hôm 27-8, nhiều đại biểu khẳng định trong bối cảnh hội nhập, các diễn biến trên thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế trong nước nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng, biến diễn biến đó thành cơ hội. Dẫn chứng cụ thể từ giá dầu giảm, điều khó nhất là làm sao trở thành động lực để giảm chi phí sản xuất. Muốn làm điều này, cần phải có thị trường cạnh tranh. “Phải có chế tài, luật chống độc quyền, luật về cạnh tranh thật sự nghiêm túc thì mới thực hiện được. Thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh lại không hoạt động độc lập, không xử lý được điểm tồn tại này” - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu lý do.
Xăng dầu thế giới giảm giá đã gây ra tác động 2 chiều tới kinh tế nước ta, một nước đồng thời vừa xuất dầu thô song lại phải nhập xăng dầu tiêu dùng. Về tác động tiêu cực, giá dầu giảm 1 USD/thùng là ngân sách hụt thu 1.000 tỉ đồng và nếu giá dầu về ngưỡng 40 USD/thùng là tăng trưởng GDP năm nay giảm 1%. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực này sẽ bị triệt tiêu bởi những tác động tích cực từ việc giảm giá xăng dầu - nhiên liệu đầu vào then chốt của sản xuất và tiêu dùng. Giá xăng dầu giảm sẽ giúp tiết giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành, thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng.
Việc chây ì, không chịu giảm giá cước vận tải là một trở ngại lớn, hạn chế tác động tích cực lan tỏa từ sự giảm giá xăng dầu. Vậy thì với những doanh nghiệp cố tình cản trở sự phát triển của nền kinh tế nói chung, lợi ích của người tiêu dùng nói riêng, còn chần chừ gì mà không phạt thật nặng, phạt thật nghiêm?
Theo Người lao động.