Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho rằng Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản.
Phóng viên:
Thưa ông, Nhật Bản đang là một trong những quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam, sau chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, làn sóng đầu tư sẽ càng gia tăng?
-
Ông Hirotaka Yasuzumi: Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến 18-9 theo lời mời của Thủ tướng Sinzo Abe, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số lĩnh vực mà Việt Nam muốn các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tăng cường đầu tư, như các ngành kỹ thuật cao, quản trị DN tiên tiến, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực...
Liên quan đến mảng quản trị DN, phía Việt Nam mong muốn Nhật chuyển giao phương thức quản trị DN hiện đại để giúp DN Việt có được tầm nhìn dài hạn, tập trung vào lợi ích và xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài thay vì cách kinh doanh ngắn hạn như trước.
Nông nghiệp đang là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư Nhật và phía Việt Nam cũng rất muốn thu hút đầu tư?- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và đề cập nhiều lần về việc kêu gọi nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào ngành nông nghiệp, mang theo kỹ thuật tiên tiến để chuyển giao cho DN và nông dân Việt Nam. Tổng Bí thư cũng tuyên bố trước mắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm táo của Nhật thâm nhập thị trường Việt Nam và ngược lại, xuất khẩu nhiều hơn xoài của Việt Nam sang Nhật. Nói cách khác, 2 bên sẽ mở rộng cửa hơn nữa cho các sản phẩm nông nghiệp.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được Việt Nam chú trọng kêu gọi đầu tư, ông có thể chia sẻ cách thức DN Nhật đầu tư vào lĩnh vực này?- Đầu tư vào nông nghiệp có 2 dạng: đầu tư trực tiếp như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và mảng liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật nhà kính, phân bón, thức ăn gia súc và các kỹ thuật chế biến sau thu hoạch. Hiện nay, đầu tư nông nghiệp trực tiếp như thuê đất để trồng trọt gặp nhiều rủi ro bởi DN Nhật chưa quen đất, quen cách canh tác… Một số DN trồng xà lách cho biết chỉ khoảng 30% sản lượng thu hoạch được, số còn lại bị hư nên rủi ro rất cao.
Theo tôi biết, hiện đã có khoảng 20 DN Nhật đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có khoảng 10 DN. Vốn đầu tư vào lĩnh vực này trước mắt không lớn nhưng sẽ tăng từ từ trong tương lai.
Dường như xu hướng đầu tư của các DN Nhật vào Việt Nam đã thay đổi. Nếu trước đây họ chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nay chuyển sang bán lẻ, nông nghiệp, thậm chí cả công nghiệp chăm sóc sắc đẹp?- Không hẳn vậy, đầu tư của DN Nhật Bản đang hướng theo mức độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Trước đây, khi thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, chi phí lao động thấp nên DN đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất rồi xuất khẩu sang các nước khác. Gần đây, khi thu nhập của người dân tăng lên, họ bắt đầu quan tâm đến những sản phẩm cao hơn. Như Vina Acecook, trước đây chỉ sản xuất gói mì 4.000 đồng để bất cứ người tiêu dùng nào cũng mua được, nay thì khác. Sau này, thêm nhiều DN Nhật đầu tư vào lĩnh vực mỹ phẩm, thức ăn dinh dưỡng, vitamin hoặc các sản phẩm dịch vụ y tế có giá trị cao.
Điều này không có nghĩa đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giảm đi để chuyển sang mảng mới mà đơn giản do thị trường Việt Nam đang dần hình thành nhiều phân khúc hấp dẫn hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật tới khai thác.
Và lĩnh vực bán lẻ cũng đang hấp dẫn nhà đầu tư Nhật?- Đúng vậy, tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên gần đây, cơ quan quản lý Việt Nam có áp dụng quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) nhưng lại khá mơ hồ. Nhiều tập đoàn trong lĩnh vực bán lẻ của Nhật muốn vào Việt Nam làm ăn nhưng vướng phải rào cản này. DN Nhật Bản khá cẩn trọng, khi cảm thấy thật sự an toàn họ mới bỏ tiền ra đầu tư.
Trong chuỗi siêu thị Aeon tại Việt Nam (Tập đoàn Aeon của Nhật) đều quy định một tỉ lệ nhất định sản phẩm bán ra là hàng Nhật và sẽ tăng dần tỉ lệ này. Nếu vậy sẽ rất ít cơ hội cho hàng Việt chen chân vào siêu thị, trung tâm thương mại của Nhật?- Tôi nghĩ không nên đặt nặng vấn đề thắng thua khi để 2 sản phẩm của DN Việt Nam và Nhật Bản cạnh nhau bởi nếu DN Việt biết cải tiến và tạo ra những sản phẩm tốt hơn vẫn có cơ hội chiếm được tình cảm khách hàng. Hơn nữa, thị trường sẽ sôi động, đa dạng hơn và người tiêu dùng được lợi khi các DN cạnh tranh nhau.
Tôi quan sát thấy hàng Việt khá đơn giản và không thay đổi nhiều. Còn hàng Nhật khá phong phú nên khi bán ở thị trường Việt Nam sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hơn cho người tiêu dùng. Từ đó, DN Việt có thể nhìn vào để sáng tạo ra những sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh.
Có TPP sẽ thế nào?
Nếu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực, liệu làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có tăng hơn?
- Ở đây có 2 khía cạnh: Đầu tư của DN Nhật vào Việt Nam và thương mại 2 bên. Nếu TPP được ký kết, những DN Nhật đầu tư sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất qua Mỹ trong các ngành như quần áo, phụ kiện, sản phẩm may mặc sẽ tăng lên và công nghiệp hỗ trợ cho dệt may cũng sẽ có lợi thế phát triển.
Về thương mại 2 bên, Việt Nam xuất khẩu qua Nhật chủ yếu là nông sản nhưng hiện giá trị gia tăng còn ít. Nếu các bạn có thể nâng được giá trị gia tăng lên thì sẽ tăng kim ngạch. Một vướng mắc khi xuất khẩu hàng nông sản sang Nhật là vấn đề kiểm dịch, điều này phụ thuộc vào trình độ sản xuất. Riêng các sản phẩm chăn nuôi thì Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôm, trong khi các mặt hàng khác Nhật đa phần nhập khẩu từ Úc, New Zealand.
Theo Người lao động