Tháng 8 là thời điểm các DN thủy sản lớn của Trung Quốc tụ họp để bàn về chiến lược tiếp thị. Phát triển bền vững trở thành điệp khúc, được nhắc đi nhắc lại.
Các vấn đề về môi trường tại Thanh Đảo- trung tâm nuôi thủy sản của Trung Quốc, khiến nhiều người giật mình. "Thương hiệu" và giá trị gia tăng" là 2 thuật ngữ được nhắc đến nhiều.
Liên minh Chế biến và Tiếp thị các sản phẩm thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), đơn vị đang khuyến khích và đào tạo các DN thủy sản Trung Quốc về thương hiệu và sản phẩm giá trị gia tăng, cho biết, khi phải thường xuyên nghe thấy những câu chuyện kinh hoàng về ô nhiễm và lạm dụng kháng sinh trên các phương tiện truyền thông, người tiêu dùng nước này đang thay đổi dần thói quen: từ đi chợ sang đi siêu thị. Trung Quốc đang thiếu thương hiệu thủy sản, ít nhất là thương hiệu được người tiêu dùng trong nước chấp nhận và tin tưởng.
Tất cả các báo cáo đều cho thấy phát triển bền vững chung là mục tiêu toàn ngành thủy sản Trung Quốc. Cơ quan phụ trách thủy sản của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch vận động các DN nuôi thủy sản tăng sử dụng thức ăn có chất lượng và giảm việc dùng thuốc, thông qua các hoạt động đào tạo và chứng nhận. Chiến dịch này nằm trong kế hoạch 5 năm của Bộ Nông nghiệp nhằm tái cơ cấu và chuẩn hóa hoạt động nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất và chất lượng thủy sản nuôi của nước này.
Mặc dù vậy, các hoạt động này không mang lại nhiều tiến triển. Các hệ thống chứng chỉ quốc tế vừa phải giành nhau miếng bánh thị trường Trung Quốc, vừa phải “đấu tranh” với cơ quan phụ trách thủy sản. Nhiều DN thủy sản Trung Quốc không muốn trả phí cấp giấy chứng nhận cho thị trường nội địa.
Các DN cũng có lý của họ. Người tiêu dùng Trung Quốc phải nghe quá nhiều quảng cáo trong khi chất lượng sản phẩm lại không rõ ràng. Điều này vô hình chung làm giảm giá trị của các chứng nhận. DN thường coi việc đầu tư cho chứng nhận bền vững khá tốn kém mà cũng chỉ cần thiết đối với XK. Cơ quan phụ trách thủy sản cũng không liên kết chặt chẽ với các DN. Do đó, DN không mặn mà với các chứng nhận.
Như vậy, để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, Trung Quốc cần chứng nhận mang tính quốc gia, vay mượn một vài chỉ tiêu từ các chứng nhận quốc tế. Bản chất chứng nhận này không thể thay thế được chứng nhận chuẩn quốc tế. Do đó, các tổ chức cấp chứng nhận vẫn có thể phát triển tại Trung Quốc nhưng có lẽ sẽ mất khá nhiều thời gian để điều này thành hiện thực.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)