Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, gạo, thủy sản... đang gặp khó ở các thị trường. Việc các doanh nghiệp triển khai đơn hàng lúc này cũng chỉ để giữ khách hàng
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 8 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 13,4 tỉ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng giảm cả về lượng và giá trị, như thủy sản giảm 16,6% (chỉ đạt 4,2 tỉ USD), cà phê giảm 32,8% (chỉ đạt 1,8 tỉ USD), gạo giảm 11% (chỉ đạt 1,8 tỉ USD)...
Thê thảm nông - thủy sản
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho rằng tỉ giá là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm hơn 30%. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, dù tỉ giá USD/VNĐ giảm khoảng 5% nhưng đối thủ chính trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam là Brazil đã phá giá đồng nội tệ của họ 17% và Indonesia giảm giá đồng nội tệ 9%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước từ đầu năm đến nay chỉ đạt 4,2 tỉ USD Ảnh: NGỌC TRINH
“Sức mua từ thị trường quốc tế kém, cạnh tranh gay gắt về giá với các nước. Ở trong nước, nông dân thấy giá giảm sâu cũng găm giữ hàng không bán khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn” - ông Nam cho biết.
Thủy sản cũng chịu nhiều khó khăn bởi sức mua từ các thị trường quá yếu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, miêu tả xuất khẩu thủy sản, nhất là mặt hàng tôm, đang rất “thê thảm”.
Mục tiêu kim ngạch cả năm của ngành hơn 8 tỉ USD nhưng 8 tháng đầu năm chỉ đạt 4,2 tỉ USD. Nếu từ nay đến cuối năm thuận lợi hơn, xuất khẩu thủy sản cũng chỉ đạt khoảng 7 tỉ USD. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỉ giá thêm 1% và nới biên độ giao dịch tỉ giá lên ±3%, ông Hòe cho rằng về mặt lý thuyết, tăng tỉ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng thực tế, phần lớn DN trong ngành đều vay ngoại tệ nên tỉ giá tăng cũng chỉ lợi một phần.
Dè chừng “yếu tố” Trung Quốc
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 15 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành từ 27-27,5 tỉ USD có thể đạt được nhưng con số này không phải là niềm vui bởi xuất khẩu nhiều nhưng lợi nhuận không cao.
Chi phí đầu vào như lương cơ bản, tiền điện... đều tăng trong khi đơn giá xuất khẩu không tăng tương ứng. Lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), rồi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến giờ vẫn chưa thấy rõ trong khi nhu cầu thực tế thị trường lại giảm.
“Các DN dệt may vừa phải thương lượng lại đơn giá với đối tác ở nhiều thị trường để giữ thị phần. Một số DN phải chấp nhận hòa vốn nhằm duy trì sản xuất. Hiện chỉ có thị trường Mỹ nhờ kinh tế hồi phục nên đơn hàng và đơn giá xuất khẩu ổn định, nếu không thì ngành sẽ còn khó khăn hơn” - ông Hồng bộc bạch.
Trong khi đó, một yếu tố đang khiến các DN lo lắng là “ông lớn” Trung Quốc. Với ngành dệt may, Trung Quốc không chỉ là nhà bán nguyên phụ liệu lớn cho DN Việt mà còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở các thị trường truyền thống EU, Mỹ.
Thời gian tới, nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, hàng hóa nước này xuất ra nước ngoài sẽ rẻ hơn và cạnh tranh gay gắt với hàng Việt. Bộ Công Thương cũng cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ hơn 4% trong tháng 8 chưa ảnh hưởng đến DN ngành dệt may, da giày. Nhưng lâu dài, hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Điểm sáng” da giày, hồ tiêu
Tám tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày đạt 8,1 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát, đơn hàng tại công ty đã có đến tháng 2 năm sau. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 14-15 tỉ USD của ngành da giày năm nay có thể đạt được bởi Việt Nam đang hưởng lợi đơn hàng từ Trung Quốc và các nước khác chuyển sang. Đặc biệt, do chủ yếu làm gia công nên DN ngành da giày được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tăng tỉ giá.
Với ngành hồ tiêu, ông Đỗ Hà Nam cho biết đây là mặt hàng xuất khẩu “đặc biệt” nên đến thời điểm này không bị ảnh hưởng bởi tỉ giá hay thị trường. Do chiếm hơn 60% thị phần xuất khẩu tiêu của thế giới nên dù tiền đồng giảm giá ít hơn các quốc gia khác, DN và nông dân vẫn có lời.
Theo Người lao động.