Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - VITIC (Bộ Công Thương), kim ngạch gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm 2014 do cả lượng và giá đều giảm.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 1,95 tỷ USD, giảm 14,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, do khối lượng xuất khẩu giảm làm kim ngạch giảm 8,10% tương đương với 172 triệu USD và do giá giảm 6,79% làm kim ngạch giảm 155 triệu USD. Như vậy, kim ngạch gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm 2014 do cả lượng và giá giảm.
Cụ thể, về giá, sau 4 tháng giảm giá liên tiếp, giá gạo xuất khẩu tháng 9/2015 tăng 5,12% so với tháng 8 nhưng vẫn giảm 10,25% so với tháng 9/2014. Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, giá gạo giảm 6,79% so với cùng kỳ năm 2014.
Mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu và trị giá giảm lần lượt 2,64% và 8,74% so với cùng kỳ năm 2014 song Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2015, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm 35% thị phần.
Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu gạo sang một số thị trường cũng trên đà tăng trưởng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Malaysia tăng 24% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,87% thị phần.
Thị trường Gana tăng 16% về khối lượng và tăng 16,15% về giá trị, đứng vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam. Thị trường Bờ Biển Ngà tăng 77,56% về khối lượng và tăng 77,93% về giá trị, đứng thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Các thị trường có sự giảm mạnh trong 9 tháng năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipines giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị; Singapore giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị; Hồng Kông giảm 29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị.
VITIC dự báo xuất khẩu gạo những tháng cuối năm của Việt Nam sẽ tốt hơn nhờ thời tiết khô hạn (El Nino) gây sụt giảm sản lượng ở nhiều nước nhập khẩu lớn gạo của Việt Nam như Malaysia, Indonesia…
Theo vinanet - Bộ Công Thương