Tỉ giá vẫn là vấn đề được các doanh nghiệp đề cập khi nói về nguyên nhân khiến các mặt hàng chủ lực của Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Tại hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng đầu năm do Bộ Công Thương tổ chức ở TP HCM ngày 12-10, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Minh Phú, cho biết xuất khẩu tôm và thủy sản đang giảm ở hầu hết các thị trường. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến giữa tháng 9, xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,9 tỉ USD, giảm tới 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán nửa giá vẫn lời!
Theo ông Quang, từ đầu năm đến nay, Indonesia phá giá đồng tiền tới 42%, Malaysia là 33% và Ấn Độ cũng ở mức 20%, ngay đồng baht Thái Lan cũng giảm giá 18% nên không cách nào tôm Việt Nam cạnh tranh được ở những thị trường truyền thống. “Nhiều khách hàng Mỹ nói với tôi là không hiểu vì sao các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm của Indonesia, Malaysia… bán giá quá rẻ, họ bán nửa giá vẫn có lời! Trong khi đó, tôm Việt Nam xuất qua Nhật, Mỹ đắt hơn các nước tới 20% nên không cách nào cạnh tranh được” - ông Quang phân tích.
Cà phê cũng “thê thảm” khi xuất khẩu giảm đến 30% về lượng và 31% về giá từ đầu năm đến nay. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, đối thủ lớn nhất của DN Việt trong lĩnh vực này là Brazil và vừa qua họ ồ ạt bán hàng nhờ giá giảm tới 70% (đồng tiền nước này phá giá rất mạnh). “Trong nước, cà phê đang tồn kho rất lớn và dự báo năm sau Brazil sẽ được mùa, DN Việt càng khó khăn hơn” - ông Nam nói.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 15,14 tỉ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng nông - thủy sản giảm mạnh đã kéo kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Sốt ruột với… hàng rào kỹ thuật
Theo ông Lê Văn Quang, dù Việt Nam tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với ưu đãi thuế suất giảm về 0% nhưng các nước nhập khẩu lại dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe, thậm chí cao hơn mức họ đang sử dụng. Điều này khiến DN phải tốn thêm chi phí 10%-20%, thậm chí 30%, mới đáp ứng được các tiêu chuẩn do đối tác đưa ra. Vì sao tôm Việt Nam bị cấm hoặc bị áp tiêu chuẩn dư lượng kháng sinh rất cao ở Nhật, còn các DN của Thái Lan, Ấn Độ thì không? Ông Quang đặt vấn đề rồi lý giải: “Nhật vừa đưa ra quy định là chính phủ các nước sang làm việc ngay cho đến khi họ dỡ bỏ hàng rào mới thôi; còn cơ quan quản lý của Việt Nam chưa mạnh mẽ đấu tranh, hỗ trợ DN”.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bị kiện chống bán phá giá ở khắp các thị trường. Chỉ riêng mặt hàng thép, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tôn Hoa Sen, cho biết vừa kết thúc vụ kiện từ Úc, dù DN được xác định không bán phá giá nhưng đã “mất” thị trường này suốt 1 năm. “Khi Việt Nam tham gia nhiều FTA, các DN xuất khẩu sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện trong tương lai nên kỳ vọng cơ quan quản lý cần tăng cường đội ngũ nhân sự để hỗ trợ nhiều hơn cho DN” - ông Vũ nói.
Nhà nước không làm thay
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng xuất khẩu trong những tháng cuối năm và đầu năm 2016 sẽ còn trong xu hướng giảm của thị trường thế giới. Phần lớn các FTA vừa ký kết trước mắt chưa đem lại hiệu quả lớn cho xuất nhập khẩu của Việt Nam nhưng DN cần xem xét nghiêm túc để tận dụng cơ hội. Nhà nước không làm thay vai trò của DN bởi nếu hỗ trợ sẽ vi phạm cam kết hội nhập. Lúc này, vai trò của các hiệp hội và bản thân DN phải chủ động hơn mới tận dụng được cơ hội trong hội nhập quốc tế.
Theo Người lao động.