|
Với mục tiêu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD và cân bằng cán cân thương mại, mục tiêu này khả thi nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội, chiến lược thị trường bên cạnh việc thực hiện tốt chỉ đạo, chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc cơ cấu lại nền kinh tế.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh liên quan đến tính khả thi của mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD đến năm 2020 theo Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Trả lời baochinhphu.vn vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, trong các kế hoạch tăng trưởng, Việt Nam đều xây dựng những kịch bản dựa trên việc phân tích, đánh giá về năng lực cạnh tranh cũng như những khả năng của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD đến năm 2020, Việt Nam có cơ sở thực tiễn để thực hiện việc này.
Để chứng minh nhận định của mình, ông Tuấn Anh dẫn chứng, ở giai đoạn 2001-2010, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%. Những năm 2010-2014, tăng trưởng đã chậm lại nhưng vẫn duy trì được tốc độ 17%. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu được Quốc hội thông qua.
Trong năm 2015, mục tiêu Quốc hội đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu đạt 10% và kiềm chế nhập siêu. Tính đến nay, tăng trưởng 9 tháng đầu năm ước đạt tốc độ tăng trưởng là 9,6%, như vậy mục tiêu 10% hoàn toàn có thể thực hiện được.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, mục tiêu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD và cân bằng cán cân thương mại là khả thi nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội, chiến lược thị trường bên cạnh việc thực hiện tốt chỉ đạo, chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc cơ cấu lại nền kinh tế.
Trước đó, trả lời báo Công thương, Thứ trưởng Trấn Tuấn Anh cũng cho rằng, mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD hoàn toàn có thể thực hiện được bởi Việt Nam đang có nhiều lợi thế lớn, có thể hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu.
Theo phân tích của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, vị thế địa lý có những thuận lợi nhất định để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, giúp giải phóng rất nhiều nguồn lực sản xuất.
Ngoài ra, một loạt các thị trường mới, có tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho xuất khẩu đang được mở ra thông qua các FTA. Đặc biệt, dù là thị trường mới hay cũ, doanh nghiệp trong nước cũng đã có quá trình cơ cấu lại hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường nên những khung khổ hội nhập mới sẽ được tận dụng tốt hơn.
"Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn, tận dụng tốt các cơ hội mới, mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD vào năm 2020 không phải quá xa vời", Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng lưu ý rằng, cơ hội rất nhiều nhưng để tận dụng cơ hội và có những bước đi sao cho hiệu quả lại không phải là điều đơn giản.
Chính vì thế, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần chủ động tính toán để làm sao tiếp tục gia tăng sự phát triển thị trường thông qua các khung khổ hội nhập mới. Các doanh nghiệp cần khẩn trương tái cơ cấu, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, thị trường nội địa cần tiếp tục phát triển để bảo vệ các ngành hàng sản xuất bằng những công cụ, biện pháp phù hợp với quy tắc chung của toàn cầu hóa và các khung khổ luật pháp quốc tế.
Trước đó, ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1467/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu nước ta phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11-12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015-2020; cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020 và thặng dư thương mại bền vững từ năm tiếp theo.
Đề án định hướng phát triển thị trường theo hướng củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại khu vực châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Ấn Độ.
Giảm phụ thuộc xuất khẩu vào một số thị trường nhằm hạn chế rủi ro. Tham gia sâu, rộng vào hệ thống phân phối tại các thị trường khu vực, đặc biệt là thị trường khu vực châu Mỹ và châu Âu. Khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh hoạt động đàm phán thương mại song phương và đa phương, tạo thuận lợi cho xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển đã ký FTA với Việt Nam để tiếp nhận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Đề án cũng đưa ra giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể là củng cố, phát triển nhóm thị trường trọng điểm và những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh. Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu của các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong từng thời kỳ nhằm mở rộng và duy trì ổn định thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Song song đó, nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài. Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với hàng hóa có thương hiệu, giá trị gia tăng cao... |
Theo doanhnghiepvn
|