Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hoạt động mậu dịch và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương đang có xu hướng sụt giảm trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực đang phải tự điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi cơ cấu mang tính chu kỳ, bắt nguồn từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Tuy nhiên, báo cáo do Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) soạn thảo nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế thế giới và sẽ tiếp tục giữ vững ngôi vị là khu vực có kim ngạch mậu dịch lớn nhất toàn cầu.
Báo cáo trên cho hay tổng kinh ngạch xuất-nhập khẩu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2014 chỉ tăng 1,6%, thậm chí còn giảm 0,4% nếu không tính Trung Quốc. Báo cáo lưu ý nếu tốc độ tăng trưởng đầu tư và mậu dịch tại khu vực tiếp tục chững lại như hiện nay thì hoạt động giao dịch hàng hóa khó có thể trở lại nhộn nhịp như trước.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại và đầu tư để có thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua.
Bà Shamshad Akhtar, Tổng thư ký điều hành ESCAP cho biết, để có thể phát triển thịnh vượng trong môi trường toàn cầu hóa, các quốc gia cần phải tăng tính cạnh tranh cũng như năng suất thì mới có thể thu hút được đầu tư và công nghệ từ bên ngoài.
Theo báo cáo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm gần 40% tổng lượng giao dịch xuất-nhập khẩu toàn cầu trong năm 2014. Triển vọng thương mại dịch vụ của khu vực tươi sáng hơn so với thương mại hàng hóa. Cụ thể, xuất khẩu dịch vụ trong khu vực năm 2014 đã tăng 5,1% so với con số 4% của năm 2013.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng các biện pháp thúc đẩy thương mại, trong đó có việc thực hiện hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới, có thể góp phần làm giảm chi phí thương mại cho nhiều nước trong khu vực. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các cơ chế mậu dịch mở cửa và tránh thực thi các biện pháp hạn chế thương mại.
Việc tăng cường sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại như là các biện pháp phi thuế quan đã gây ra những hậu quả xấu cho những nước kém phát triển nhất khu vực bởi chúng cản trở các nhà xuất khẩu cỡ vừa và nhỏ.
Trong mấy năm gần đây, châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến sự gia tăng các chuỗi giá trị toàn cầu (CVG), nghĩa là dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa, trong đó các doanh nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau, tham gia những công đoạn khác nhau từ thiết kế, chế tạo, tiếp thị, đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng.
Phân tích về thách thức cũng như cơ hội mà CVG đem lại cho khu vực, báo cáo cho biết nhiều nước, đặc biệt là những quốc gia thu nhập thấp, chưa được hưởng lợi từ sự mở rộng các luồng thương mại và đầu tư đi kèm với GVC vì tới 90% hoạt động thương mại liên quan đến GVC chỉ diễn ra tại 10 nền kinh tế khu vực./.
Theo TTXVN/VIETNAM+