Theo CTCK HSC, lãi suất cho vay bình quân hiện đã giảm 0,74% so với đầu năm. Đây là thông tin tốt cho doanh nghiệp nhưng sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng bị thu hẹp.
Trong báo cáo mới đây, CTCK TP.HCM (HSC) đã đưa ra kết quả cuộc khảo sát lãi suất huy động và cho vay hàng tháng vào cuối tháng 11.
Theo đó, lãi suất huy động bình quân tiền đồng tăng 0,03% trong tháng 11 lên 5,86% sau khi giữ ở 5,83% trong 2 tháng trước đó. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động bình quân đã giảm 0,18% và có lúc đã giảm tới 0,35% còn 5,69%.
Một số ngân hàng nâng lãi suất huy động trong khi một số khác tiếp tục giảm. Theo cuộc khảo sát, một số ngân hàng lớn như Vietinbank, ACB, Eximbank đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn thêm 0,1-0,3%. Trong khi đó một số ngân hàng nhỏ bao gồm OCB, Maritime Bank và Đông Á tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,2% đối với kỳ hạn ngắn và 0,1- 0,7% cho trung và dài hạn. Ngoài ra, SHB cũng nâng lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng thêm 0,1%.
Trái lại BIDV giảm nhẹ 0,1% lãi suất huy động kỳ hạn 3, 6 và 18 tháng; trong khi đó Ngân hàng Xây dựng giảm 0,05-0,1% lãi suất huy động cho hầu hết các kỳ hạn. Ngân hàng xây dựng đang huy động với lãi suất cạnh tranh nhất từ 5,4% đến 6,55% cho các kì hạn ngắn (1 đến 6 tháng); ở mức 6,6% cho kì hạn 9 tháng và từ 7,2% đến 7,3% cho các kỳ hạn dài.
Trong khi đó, lãi suất huy động USD giữ nguyên tại 0,25% ở tất cả các ngân hàng.
Đáng chú ý là lãi suất cho vay bình quân giảm mạnh 0,28% còn 9,30%. Theo HSC, lãi suất cho vay đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm và cũng thấp nhất trong chu kỳ lãi suất hiện tại.
Trên thực tế, lãi suất cho vay bình quân hiện đã giảm 0,74% so với đầu năm. Trong tháng, Vietinbank giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5% ở các kỳ hạn; Vietcombank và Techcombank cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay. Techcombank giảm cả lãi suất cho vay ngắn hạn (giảm nhẹ 0,04%) và trung dài hạn (giảm 0,21%). Eximbank cũng giảm 0,25% lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn; trong khi tăng lãi suất kỳ hạn dài thêm 0,5%.
Trong khi đó, Sacombank và Ngân hàng Đông Á tăng lãi suất cho vay thêm 0,1-0,4%. (Lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng thấp nhất là 7,5%; niêm yết tại các ngân hàng quốc doanh (chẳng hạn Agribank, Vietcombank, Vietinbank). Trong khi đó, ACB có lãi suất cho vay dài hạn thấp nhất là 9,26%.
“Có vẻ động thái trái ngược trong đó lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay giảm như trên là khá hy hữu. Không những thế lãi suất cho vay tháng 11 còn có mức giảm mạnh nhất trong vòng chín tháng qua”, HSC nhận định.
Theo HSC, động thái giảm lãi suất cho vay xuất phát từ các ngân hàng quốc doanh nên khó có thể cho rằng điều này không có sự định hướng của NHNN. Và cuối năm là thời gian cao điểm cho vay nên việc lãi suất cho vay giảm như trên sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn bình thường vì dư nợ cho vay vào cuối năm tăng mạnh hơn thời gian bình thường trong năm.
“Đây là thông tin tốt cho doanh nghiệp nhưng sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng bị thu hẹp. Và với tỷ trọng giữa cho vay và huy động trong tài sản sinh lãi và nguồn huy động cao nên tỷ lệ NIM của một số ngân hàng chắc chắn sẽ giảm”, công ty đưa ra dự báo.
Tuy nhiên HSC cũng chỉ ra đây có thể chỉ là xu hướng tạm thời vào cuối năm vì việc lãi suất huy động khó giữ ở mức thấp với kỳ vọng lãi suất sẽ tăng nhẹ trong năm sau.
Trong dự báo cho 2016, HSC cho rằng cả lãi suất huy động và cho vay bình quân sẽ tăng 0,5% (và do lãi suất cho vay giảm gần đây nên hoàn toàn có thể nói lãi suất cho vay có thể còn tăng trên 0,5% trong năm sau).
Theo Trí thức trẻ