Ông Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM, nói tại buổi đối thoại rằng trong số các nước ASEAN, Việt Nam là nước nhận được nguồn vốn đầu tư nhiều nhất từ Hàn Quốc, và xu hướng đầu tư của doanh nghiệp nước này vào Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng.
Đà tăng trưởng này sẽ tiếp diễn, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực và Việt Nam trở thành một thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),
Theo ông Wan, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư khá đa dạng, nhiều lĩnh vực. Trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da... nhưng nay đã mở rộng sang các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, công nghệ thông tin, góp phần lớn vào sự phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam. Quy mô vốn đầu tư cũng có sự phát triển mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử của Việt Nam, hiện có 240 dự án từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng hai tập đoàn lớn là Samsung và LG chiếm khoảng 16 tỉ đô la Mỹ, theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chia sẻ với TBKTSG Online bên lề của sự kiện này, ông Young-Jun Cho, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI), cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam nhờ những thuận lợi về hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt là việc ký Hiệp định VKFTA vừa qua.
Theo ông, đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào các lĩnh vực điện tử, dịch vụ logistics, và bán lẻ... sẽ tiếp tục gia tăng. Đáng chú ý là khu vực phía Nam sẽ thu hút thêm được nhà đầu tư Hàn Quốc vì những tập đoàn lớn như Samsung, Lotte, E-Mart... hiện có những dự án đầu tư lớn vào TPHCM, sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác.
Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tính đến tháng 10 rồi, Hàn Quốc là nước có cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam với 4.777 dự án có tổng vốn đăng ký là hơn 43,63 tỉ đô la Mỹ, vượt xa vị trí thứ hai là Nhật Bản có 2.788 dự án với tổng vốn cam kết là hơn 38,7 tỉ đô la Mỹ.
"Tình hình cho thấy Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là hai nước có vốn cam kết FDI vào Việt Nam nhiều trong 2-3 năm tới", ông Nội chia sẻ.
Theo ông Nội, Hiệp định VKFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam nhiều hơn, kèm theo nguồn công nghệ, trình độ quản lý và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.
Việt Nam tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc và cũng khuyến khích các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hóa), ông Nội nói.
Quan hệ thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng từ 0,5 tỉ đô la Mỹ năm 1992 lên 28,8 tỉ đô la Mỹ năm 2014, tăng hơn 57 lần trong 24 năm qua. Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, Hoa Kỳ. Hiện kim ngạch thương mại hai nước đã vượt qua con số 30 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp 60 lần so với thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. |