Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 39,5 tỷ USD với 4.555 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau hơn 25 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam kể từ tháng 11/2014.
Lũy kế đến tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 39,5 tỷ USD với 4.555 dự án đầu tư còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ ...), tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể lên tới 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam và có khoảng chênh lệch lên đến hơn 12 tỷ USD so với Nhật Bản, đối tác FDI thứ 2 tại Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trên 1,9 tỷ USD qua 484 dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn,nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại 34 địa phương của cả nước. Trong đó, các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh là những địa phương nhận được nhiều đầu tư từ Hàn Quốc. Các hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài, liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Cũng trong 7/2015, tổng vốn FDI Hàn Quốc chiếm 22% tổng vốn FDI vào Việt Nam, nếu tính dự án của Tập đoàn Hyosung (660 triệu USD, đầu tư qua pháp nhân Thổ Nhĩ Kỳ) và dự án Samsung (3 tỷ USD, được cấp phép ngày 31/7/2015), có thể nói FDI của Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam (oligopoly), đóng góp tới 47% tổng vốn FDI vào Việt Nam, gấp 7,8 lần Nhật Bản, gấp 15,6 lần Singapore và gấp 8,3 lần Đài Loan (nhưng đối tác FDI truyền thống đứng thứ 2,3,4 của Việt Nam).
Đây vừa là tín hiệu đáng mừng (khi doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam), nhưng cũng cần có sự cân đối đa dạng hóa vì Việt Nam sẽ trở nênphụ thuộc vào Hàn Quốc trong khi FDI của các đối tác truyền thống (Nhật Bản, Singapore, Đài Loan) suy giảm, đồng thời việc thu hút FDI từ các nước G7 như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc chưa có tín hiệu tích cực.
Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với cácdoanh nghiệp Hàn Quốc, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra việc làm cho 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2014.
Các dự án của Hàn Quốc trong năm 2014 được triển khai trên 18 trên tổng số 21 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo với 322 dự án cấp mới và 151 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn của ngành này năm 2014 là 6,58 tỷ USD (chiếm 89% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 6 dự án cấp mới và 1 dự án tăng vốn, tổng số vốn là 363,2 triệu USD (chiếm 5% tổng vốn đầu tư).
Đứng thứ 3 là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 2,1% tổng vốn đầu tư, còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác. Các dự án đầu tư có sức ảnh hưởng lớn với vốn cam kết lên đến hàng tỉ đô la Mỹ như của tập đoàn điện tử Samsung, LG... đã kéo theo nhiều nhà cung cấp phụ tùng Hàn Quốc đi cùng với quy mô đầu tư lớn không kém. Chỉ riêng hai tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh đã kéo theo hơn khoảng 60nhà cung cấp Hàn Quốc đi cùng. Samsung dự kiến sẽ tiếp tục rót hàng tỷ USD vào Việt Nam cho nhiều dự án khác trong đó có cả dự án điện tử, năng lượng, hàng không,tài chính, đóng tàu,...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô dưới 500 người và doanh thu dưới 150 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, các dự án này chủ yếu là các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc, sản xuất giày, dép ...
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các TNCs Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử...Các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng ... đóng góp tích cực cho ổn định và phát triển kinh tế như Samsung, Doosan, LG, Posco,CJ, Taekwang, Hyosung, Kumho ...
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, một số lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là: lĩnh vực công nghiệp điện tử (đi đầu là Samsung, LG cùng các doanh nghiệp vệ tinh) ; phân phối, bán buôn bán lẻ (Lotte, Shinseghe, E Mart) ; tài chính - bảo hiểm (Shinha, Woori, KEB, IBK, KB, Hanwha ...); kinh doanh bất động sản (Daewoo, GS, Posco, Hyundai ...) ; năng lượng (các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử ở cấp Chính phủ như Kepco, Doosan, Samsung, Taekwang ...) ; dịch vụ chất lượng cao, du lịch (Lotte ...) ; lương thực và chế biến thực phẩm (CJ) ; hàng may mặc (để xuất khẩu đón đầu các hiệp định FTA thế hệ mới, Hyosung, Taekwang, Panko ...) ; dầu khí - hóa chất (GS, SK, Samsung...); công nghệ chế tạo - công nghiệp nói chung, nông nghiệp - trồng trọt (CJ...) ...
Theo doanhnghiepvn
|