Trong bối cảnh xuất khẩu (XK) thủy sản sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản liên tục gặp khó khăn thì Trung Quốc - với dân số đông, nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng - đã và đang trở thành thị trường tiềm năng lớn mà các doanh nghiệp (DN) thủy sản tập trung đẩy mạnh khai thác. Tuy nhiên, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin khi làm việc với đối tác để tránh rủi ro.
Nhu cầu nhập khẩu gia tăng
Trong khuôn khổ Chương trình giao thương do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Cá tra vừa tổ chức vừa qua tại Trung Quốc, 4 trung tâm xúc tiến thương mại và 6 DN chuyên về nuôi trồng và XK thủy sản của Việt Nam đã tham dự Hội chợ Nghề cá Trung Quốc lần thứ 20. Tại đây, Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Cửu Long An Giang - CL-FISH CORP đã ký kết được hợp đồng XK với Công ty TNHH thủy sản Guang Lei của Trung Quốc. Đây chỉ là một trong những ví dụ mới nhất về chuỗi hoạt động đẩy mạnh XK thủy sản sang thị trường này của các DN Việt Nam.
Theo ông Kuang Dong - Tổng Giám đốc Công ty Guang Lei, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về thủy sản là rất lớn, đặc biệt là cá tra. “Chúng tôi luôn mong muốn xây dựng và phát triển quan hệ đối tác thương mại với các DN sản xuất, kinh doanh và XK thủy sản của Việt Nam,” ông Kuang Dong khẳng định.
Theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP), Trung Quốc là một trong những thị trường XK lớn của thủy sản Việt Nam. Năm 2014, XK thủy sản sang quốc gia này đạt 597 triệu USD, tăng 4,3% so với năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, con số này ở mức 269 triệu USD. Đặc biệt, XK cá tra sang Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh trong 5 năm gần đây ở mức từ 21-31%/năm.
Bà Hằng đánh giá, XK thủy sản sang thị trường này trong những năm gần đây tăng là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tình hình XK sang các thị trường khác khó khăn đã buộc các DN Việt phải chuyển hướng sang các khu vực có tiềm năng lớn như Trung Quốc. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như nhu cầu nhập khẩu cá tra để sản xuất rồi DN sang Hoa Kỳ của các DN Trung Quốc đang gia tăng. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích nhập khẩu.
Cần nghiên cứu kỹ thị trường và đối tác
Theo bà Hằng, DN Việt Nam và Trung Quốc hiện chủ yếu giao dịch qua đường tiểu ngạch. Mặt khác, chỉ hơn 10% sản phẩm nhập khẩu được đưa vào các nhà hàng, còn phần lớn là tiêu thụ nội địa và dùng với mục đích khác. Do đó, thị trường này không có yêu cầu cao về chất lượng. Vì vậy, DN Việt chủ yếu XK dạng nguyên liệu thô, giá trị không cao. Đặc biệt, tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, đặc biệt là tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu (chưa qua chế biến) đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều DN Việt thiếu nguyên liệu chế biến, gây mất cân đối nghiêm trọng đến cơ cấu XK, xuất thô ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của ngành. “Đây cũng là yếu tố gây rủi ro, thách thức và đáng báo động về XK cá tra nói riêng và thủy sản Việt nói chung sang thị trường này,” bà Hằng cho biết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về xuất nhập khẩu thủy sản. Ngoài ra, quốc gia này quản ngoại tệ rất chặt nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế. Trung Quốc cũng chưa thực hiện thanh toán phổ biến theo thông lệ quốc tế bằng L/C. Xét về mức độ an toàn trong thương mại thì việc thanh toán theo đường biển có nhiều rủi ro. Hơn nữa, mức thuế đánh vào mặt hàng hải sản nhập khẩu thường cao hơn các nước khác. Thêm vào đó, DN Việt Nam đang thiếu thông tin về xu hướng và sự biến động của thị trường nên dễ gặp rủi ro.
Theo VEN