Hệ thống logistics hiện nay manh mún, thiếu gắn kết và lạc hậu làm đội giá vận chuyển hàng hóa. Yêu cầu đặt ra là cần sớm phát triển hạ tầng logistics theo hướng hiện đại, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu… của các địa phương trong vùng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cạnh tranh và hội nhập khá tốt, song logistics đang là rào cản lớn hạn chế sự phát triển của DN. Vận tải nội địa đang tồn tại nhiều yếu điểm, gia tăng chi phí giá thành sản phẩm.
Nhìn chung chi phí logistics hiện tại của chúng ta chiếm quá cao trong tổng chi phí sản phẩm. Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam dẫn chứng, chi phí logistics của một số mặt hàng xuất khẩu như: Gạo chiếm 29,8% tổng chi phí, rau củ quả là 29,5%, thủy hải sản 12,2%… Trong tổng chi phí logistics, phí vận tải chiếm hơn 50%. Dẫn chứng rõ hơn, tuyến vận chuyển Hải Phòng – TP. HCM dài 1.900 km thì tổng chi phí vận chuyển và xếp/dỡ đối với đường bộ là 34 triệu/TEU, đường sắt 12,4 triệu/TEU, đường biển 5,2 triệu/TEU.
Lý giải nguyên nhân logistics chậm phát triển, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm xúc tiến và thương mại TP HCM đánh giá, đầu tư cho logistics chưa nhiều, chưa xứng tầm. Đa số DN trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ lẻ phân tán nên không khai thác được tính kinh tế nhờ quy mô và mạng lưới vốn là một điểm mạnh của khai thác vận tải đường bộ. Theo số liệu trên từ Tổng cục thống kê, các DN có quy mô về vốn lớn từ 50 tỷ đồng trở lên còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 4,68% số lượng DN. Thậm chí có một số lượng các DN có số vốn cực kỳ ít ỏi là dưới 500 triệu đồng.
Ngoài sự yếu kém của DN logistics, quy hoạch hệ thống này cũng có vấn đề. Bà Phạm Thị Thúy Vân - phó Giám đốc tiếp thị Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, có một thực trạng tồn tại hiện nay đó là các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái, khu vực Thủ Đức, Sóng Thần, Linh Trung và khu vực lân cận Cầu Đồng Nai.
Riêng khu vực TP HCM hiện có 11 cảng làm hàng container và hàng rời, với tổng diện tích trên 310 ha và trên 7.000 m cầu tàu, trên 150m2 kho trong cảng. Việc tập trung này gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, tắc đường xảy ra thường xuyên, xe quay vòng chậm nên chi phí phát sinh vì thế tăng thêm. Đặc biệt, các cơ sở logistics rất manh mún, phân tán không thành một nơi tập trung như các trung tâm Logistics các nước.
Đáng chú ý, ngày 14/2/2017, Thủ Tướng chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên sau quyết định này, mỗi tỉnh lại tích cực xây dựng xây dựng chiến lược dài hơi về phát triển logistics tại địa phương mà thiếu tính liên kết hệ thống vùng/miền với quy hoạch phát triển chung. Trong khi bản chất Logistics là hoạt động chuỗi liên kết quốc gia này với quốc gia kia trên thế giới, vùng này với vùng kia trong khu vực Asean và các địa phương trong cùng một nước, mang tính liên ngành.
Ủng hộ quan điểm xây dựng trung tâm logistics, ông Phạm Son - Trưởng phòng Logistics Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé cho rằng, cần nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng kết nối. Theo đó, cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với các quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Song song việc phát triển logistics theo hướng tập trung, các cơ quan quản lý ứng dụng thủ tục thông quan điện tử, xây dựng hạ tầng và kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chuyên ngành để đơn giản hóa thủ tục giúp hoạt động lưu thông hàng hóa nhanh nhạy hơn.
Theo Đại đoàn kết.