|
Ngày 5-4, Bộ Công thương đã giao ban trực tuyến về tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2011 và triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu những tháng còn lại trong năm.
Báo động việc dịch chuyển đơn hàng
Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), quý 1-2011 kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt 816 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2010. Nếu so với những năm trước mức tăng bình quân đạt 20%-30% thì mức tăng hơn 9% trong 3 tháng rất đáng lo ngại! Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu ngành gỗ tăng chậm là do giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao, đặc biệt trong tháng 4 giá tiếp tục tăng đột biến.
Hiện giá nhập khẩu gỗ thông đã lên đến gần 300 USD/khối (tăng tới 80 USD so với tháng 3-2011), ảnh hưởng rất mạnh và đe dọa tới sức cạnh tranh về giá trong ngành chế biến gỗ nói riêng và các sản phẩm khác nói chung.
Tại hội chợ ngành gỗ vừa qua, khi khách hàng đưa ra đơn giá không doanh nghiệp Việt Nam (DN VN) nào dám nhận, trong khi cùng đơn giá đó các đối tác từ Malaysia họ vẫn nhận làm. Cùng với giá nguyên liệu tăng cao, lãi suất ngân hàng lên tới hơn 20%/năm góp phần kéo giảm mức tăng trưởng của ngành gỗ.
Với những gì đang diễn ra, ngành gỗ đã và đang có hiện tượng chuyển đơn hàng từ VN sang các đối tác khác. Nếu không ngăn chặn kịp thời hậu quả rất khó lường vì đây là ngành sử dụng khá nhiều lao động.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN cũng cho rằng, trong 3 tháng đầu năm ngành cà phê đã đưa về 1 tỷ USD, lợi nhuận từ cà phê mang lại rất lớn do giá thế giới liên tục tăng. Nhưng tiền đang nằm trong túi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ không phải là DN trong nước.
Năm 2010, sau khi giá cà phê xuống thấp các DN FDI đã xả vốn ra mua gom. Trong khi đó hàng loạt DN trong nước phán đoán được tình hình nhưng chỉ đứng nhìn họ gom hàng mà không làm gì được vì không có tiền.
Ông Nam đặt vấn đề, hiện giá cà phê đang do các DN FDI thao túng, đến một lúc nào đó họ chán không thu mua nữa thì lượng cà phê trong nước sẽ đổ đi đâu? Ở Brazil hiện không có DN FDI tham gia vào việc xuất khẩu cà phê vì họ chỉ cấp quota trong 3 tháng. Khi sử dụng hết mới được cấp lại chứ không như VN, các DN có thể thoải mái mua gom như hiện nay.
Khát vốn!
Có lẽ từ sau cuộc giao ban xuất khẩu quý 1-2008 (năm đầu tiên ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu) thì đây là buổi làm việc khá căng thẳng. Trong số 5 ý kiến phát biểu từ các hiệp hội đều cho rằng DN trong ngành đang rất khát vốn. Theo tính toán của ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, năm 2011 ngành điều dự kiến sẽ chế biến và xuất khẩu khoảng 190.000 tấn. Để đạt được con số trên, các DN trong ngành cần khoảng 25.000 tỷ đồng để nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi (vì trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 50%).
Quý 2 sẽ là cao điểm để các DN nhập khẩu nguyên liệu, trước mắt ngành điều cần khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng đến nay việc tiếp cận các nguồn vốn quá khó khăn, lãi suất quá cao. Trong điều kiện ngân hàng vay vốn đòi hỏi DN thế chấp tài sản, buộc DN đứng trước lựa chọn, không vay được vốn sẽ phải dừng sản xuất.
Theo ông Học, ngân hàng nên ưu tiên xem xét giải ngân vốn sớm cho DN để tránh tình trạng như năm ngoái, lúc giá nguyên liệu ở mức thấp thì không có tiền, khi có tiền thì không còn hàng để mua. Bài toán luẩn quẩn về tiền - hàng không chỉ diễn ra ở ngành điều mà hầu hết các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh như cà phê, thủy hải sản, hồ tiêu… Sẽ giãn thuế cho 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính triển khai việc giãn nộp thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ và vừa. Ước tính sẽ có khoảng 200.000 DN nằm trong diện được giãn với số thuế dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng. Việc giãn thuế sẽ giúp giảm nhu cầu về vốn lưu động, từ đó giảm áp lực về vốn và áp lực tăng lãi suất ngân hàng trong ngắn hạn.
Tại cuộc họp, hầu hết các hiệp hội đều kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần xem lại tiêu chí DN nhỏ và vừa để mở rộng các đối tượng cần được giãn thuế. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” để hỗ trợ cho các DN trong tìm kiếm, phát triển thị trường và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Về vốn và lãi suất, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đây là 2 vấn đề nóng bỏng và xuyên suốt hội nghị.
Tuy nhiên, phần giải trình của bà Hạnh tại hội nghị không đủ sức thuyết phục các DN khi cho rằng, ngân hàng không thiếu nguồn vốn cho vay và sẽ chỉ đảm bảo vốn vay cho sản xuất kinh doanh trong trường hợp các DN phải hội đủ các điều kiện nhằm tránh rủi ro (!?).
Đối với ngành điều, ngân hàng đã cử đoàn cán bộ đi khảo sát năng lực của các DN, kết quả việc các DN tiếp cận vốn khó khăn là do không đảm bảo các điều kiện cho vay…
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên kết luận, tất cả những khó khăn, vướng mắc của DN sẽ được bộ tổng hợp chi tiết. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền bộ sẽ được giải quyết ngay, còn những đề xuất hoặc khó khăn vượt quá thẩm quyền sẽ được báo cáo Thủ tướng xem xét và giải quyết sớm, đặc biệt là vốn và lãi suất. Vốn là mạch máu của DN, nếu những khó khăn về vốn kéo dài sẽ xảy ra đình trệ trong sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội
Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7%
Theo ước tính của liên bộ, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7% so cùng kỳ năm 2010, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 10%. Trong đó, nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt 4,68 tỷ USD, tăng 53%, chiếm tỷ trọng 24,3%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,29 tỷ USD, tăng 14,6%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 12,27 tỷ USD, tăng 31,4%...
Theo tính toán sơ bộ, giá và lượng hàng hóa đã góp phần tăng thêm 4,85 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó giá tăng đóng góp thêm khoảng 3 tỷ USD và lượng là 1,5 tỷ USD. |
Theo SGGP
|