|
Ngày 19-4, ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa (VTHH) TP.HCM, cho biết hiệp hội vừa có văn bản gửi HĐND TP.HCM về phương án tăng mức thu phí tại trạm thu phí cầu Bình Triệu 2, trạm xa lộ Hà Nội và trạm đường Kinh Dương Vương.
Hiệp hội VTHH TP.HCM cho rằng việc UBND TP.HCM kiến nghị tăng mức thu phí giao thông trong thời điểm hiện nay là không hợp lý vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải hàng hóa, gây tác động dây chuyền đẩy giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao.
Theo Hiệp hội VTHH TP.HCM, việc không công bố thông tin về doanh số của trạm thu phí xa lộ Hà Nội để dư luận biết mà chỉ căn cứ vào kiến nghị của Công ty CII nói mức phí thấp không đảm bảo doanh thu để nâng mức phí tại trạm là không thuyết phục. Theo quyết định của UBND TP.HCM, CII được quyền thu tại hai trạm thu phí xa lộ Hà Nội và Kinh Dương Vương với mức phí dự kiến là 1.750 tỉ đồng trong thời hạn chín năm kể từ đầu năm 2002, nay đã được gia hạn thành 12 năm.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội chỉ phải thu phí để hoàn số vốn hơn 357 tỉ đồng đầu tư đường Điện Biên Phủ mở rộng. Thế nhưng, số tiền mà trạm này thu được hiện chiếm tới 70% doanh thu các trạm thu phí của CII. Đến hết quý 3-2009, báo cáo tài chính của CII cho biết doanh thu của hai trạm xa lộ Hà Nội và Kinh Dương Vương đã đạt gần 1.400 tỉ đồng. Hiệp hội VTHH TP.HCM tính toán số tiền trạm xa lộ Hà Nội thu đã đủ hoàn vốn đầu tư theo quy định, và nếu đã đủ thì cần chấm dứt thu phí tại trạm xa lộ Hà Nội.
Hiệp hội VTHH TP.HCM kiến nghị cần tách biệt doanh thu của hai trạm thu phí xa lộ Hà Nội và trạm Kinh Dương Vương vì doanh thu của hai trạm này vẫn đang được CII gộp lại với nhau. Ông Lương Văn Trung, phó chủ tịch Hiệp hội VTHH TP.HCM, phân tích: “Không thể lấy doanh thu của trạm này để bù đắp cho trạm kia vì đối tượng dịch vụ là khác nhau, mật độ phương tiện khác nhau, mức phí khác nhau và vốn đầu tư cũng hoàn toàn khác nhau”.
Khi tách riêng trạm thu phí trên đường Kinh Dương Vương, nếu hết thời hạn thu phí theo hợp đồng mà chủ đầu tư chưa hoàn vốn được thì TP có thể mua lại quyền thu phí và chấm dứt hoạt động hoặc gia hạn thu phí để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Hiệp hội VTHH TP.HCM cũng kiến nghị TP cần nâng cấp đường Kinh Dương Vương vì con đường này đang xuống cấp nghiêm trọng.
Với đề xuất tăng mức thu phí tại trạm cầu Bình Triệu 2, ông Thái Văn Chung cho rằng mức phí tăng tới 2,7 lần đối với xe container 40 feet trong thời điểm hiện tại là quá cao.
Tăng cho phù hợp thực tế
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, giám đốc đầu tư Công ty CII - chủ đầu tư của ba trạm thu phí trên, cho biết:
- Công ty CII chỉ đề xuất điều chỉnh mức cước thu phí đường bộ tại xa lộ Hà Nội và đường Kinh Dương Vương cho phù hợp với tình hình thực tế và theo các hợp đồng đã được ký kết giữa TP và CII. Tương tự, việc điều chỉnh giá thu phí của dự án cầu đường Bình Triệu cũng được thực hiện theo hợp đồng BOT cầu đường Bình Triệu 2, đã được các bộ ngành trung ương thẩm tra.
* Tuy nhiên, có nhiều ý kiến chưa đồng tình vì các dự án như mở rộng xa lộ Hà Nội và cầu đường Bình Triệu 2 chưa hoàn thành mà lại thu phí và đang đòi tăng mức phí. Hơn nữa, điều bất hợp lý là đường Kinh Dương Vương đang hư hỏng và ngập nước, rồi vấn nạn kẹt xe ở xa lộ Hà Nội chưa được giải quyết mà CII vẫn đòi tăng mức thu phí là sao?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND TP cũng như các hợp đồng được ký kết, trong quá trình quản lý, khai thác các tuyến đường, CII luôn chú trọng đến việc duy tu bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi tuyến đường, đặc biệt là tuyến đường Kinh Dương Vương thường xuyên bị ngập nước nên việc đảm bảo giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, thỉnh thoảng vẫn xảy ra một số sự cố nằm ngoài dự tính của CII. Chúng tôi luôn nhanh chóng khắc phục các sự cố này trong thời gian sớm nhất và theo đúng quy trình quản lý chất lượng sửa chữa đường bộ. |
Theo TTO
|