Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng qua đã đạt được thành tích vượt bậc và đây là tín hiệu tốt dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khả quan.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, xuất khẩu tháng 6/2011 ước đạt 7,8 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với tháng 5 và là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục từ trước tới nay. Thành tựu này đã nâng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Tăng trưởng xuất khẩu nói trên nhờ cả hai yếu tố là lượng và giá đều tăng.
Nhu cầu nhập khẩu và mức giá nhập tăng ở các thị trường lớn đã giúp xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này tăng mạnh. Hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2011 tăng 56,6%, xuất khẩu vào Mỹ tăng 21,3%, vào EU tăng 49,1% và sang thị trường Nhật Bản tăng 23%.
Thị trường Trung Quốc vẫn dẫn đầu về nhập khẩu cao su của Việt Nam và các mặt hàng khác như gỗ, than đá, dầu thô và một số mặt hàng nông sản khác như hạt điều, cà phê, sắn.
Bên cạnh các thị trường truyền thống nêu trên, thời gian qua, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường mới như Đài Loan, Hàn Quốc, các nước ASEAN... đều có mức tăng đáng kể. Không chỉ xuất khẩu sản phẩm may mặc thành phẩm, sản phẩm sợi của Việt Nam cũng đã tiếp cận được với các thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil. Sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện chiếm khoảng 2,69% thị phần thế giới. Tại thị trường Mỹ và Nhật Bản, hàng dệt may Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc, với thị phần tương ứng 7,4% và 4%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm xuống trong những tháng gần đây: 4 tháng đầu năm tăng hơn 37%, 5 tháng tăng 32,8% và 6 tháng ước tính tăng 30,3%. Bộ Công Thương nhận định tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng qua có dấu hiệu không mạnh như những chu kỳ của những năm trước đây. Điều này có khả năng do chính sách tiền tệ thắt chặt, mục tiêu chống lạm phát đã có hiệu ứng trong quý 2/2011. Bộ Công Thương lo ngại có thể trong quý 3, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, nếu như không có biện pháp tháo gỡ cụ thể.
Cũng theo Bộ Công Thương, nước ta đang được hưởng một số ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do như AFTA với Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và đang đàm phán với EU và Mỹ. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội này nên tỷ lệ xuất khẩu được hưởng các ưu đãi còn thấp. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp chưa cập nhật được thông tin về các ưu đãi trên cũng như chưa quen với các thủ tục cần thiết để được nhận ưu đãi. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng ưu đãi của các doanh nghiệp các nước khác trong ASEAN cao hơn so với Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội tăng cường xuất khẩu do thiếu thông tin và năng lực thực hiện các yêu cầu được đề ra để được nhận ưu đãi.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tận dụng được lợi thế so sánh tĩnh về lao động và tài nguyên. Kết quả là tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu gồm những ngành hàng sử dụng lao động với giá trị gia tăng thấp, nhất là các mặt hàng nông nghiệp và tài nguyên khoáng sản. Tỷ trọng các mặt hàng sử dụng công nghệ hiện đại thấp hơn so với Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong bối cảnh Chính phủ đang đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nước ta phải cải thiện cơ cấu xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sử dụng công nghệ hiện đại trên cơ sở đổi mới công nghệ.
Thời gian tới, nếu xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế về khoảng cách địa lý và nhiều nét tương đồng về văn hóa. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường. Ngoài ra, để cải thiện cơ cấu xuất khẩu, người ta không thể không tính đến vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì hiện tại khu vực này chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và là kênh quan trọng kết nối kinh tế trong nước với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, việc định hướng xuất khẩu mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam cần phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI có chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết vấn đề khó khăn tác động trực tiếp đến xuất khẩu là lạm phát, lãi suất và vốn vay cho doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011, các đơn vị chức năng của bộ đang tập trung tháo gỡ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa để thúc đẩy xuất khẩu.
Đỗ Nguyên
Theo tamnhin.net