|
Từ ngày 1/10/2011 tới đây, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không đủ điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát, sấy, đánh bóng theo Nghị định 109/2010/NĐ – CP của Chính phủ như: phải có ít nhất một kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, một cơ sở xay xát có công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ… sẽ phải ngừng hoạt động. Nhưng tại Hội nghị về Kinh doanh xuất khẩu gạo diễn ra sáng ngày 9/8/2011 do Bộ Công thương tổ chức, ông Nguyễn Thành Biên – Thứ Trưởng Bộ Công thương đã cho biết tình hình thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ đang rất khả quan.
Theo ông Biên, đến nay Bộ Công thương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho 44 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp nước ngoài, và trong tuần này, Bộ sẽ tiếp tục cấp giấy chứng nhận cho 5 hồ sơ nữa đã đáp ứng đủ yêu cầu. Con số này đã vượt qua chỉ tiêu đề ra của Bộ là khoảng 30 đến 40 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, Bộ cũng đã tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bằng việc không yêu cầu bắt buộc các cơ sở xay xát, sấy, đánh bóng… phải nằm trên cùng một mặt bằng, nên dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nữa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, cũng có nhiều ý kiến của các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 109 gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ đang tham gia xuất khẩu gạo. Vì đa phần các doanh nghiệp này chỉ đơn thuần làm công tác thương mại, không đầu tư về kho chứa, lò sấy, máy xay xát… nên sẽ không đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 109. Đồng thời, với tình hình lãi suất tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp có muốn đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa, máy sấy… thì cũng gặp vô vàn khó khăn vì thiếu vốn. Có ý kiến đưa ra, Bộ Công thương nên ra hạn thêm một năm thời gian chuyển tiếp nữa, đến 1/10/2013, để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.
Phản hồi ý kiến này, ông Biên cho biết, theo ông thời gian thực hiện Nghị định 9 tháng và thời gian chuyển tiếp 1 năm là vừa đủ để các doanh nghiệp chuẩn bị. Còn doanh nghiệp nào hiện nay chưa đủ điều kiện theo Nghị định 109 thì có thể thuê kho chứa, máy sấy, máy xay xát... để được cấp giấy chứng nhận tạm thời được tiếp tục hoạt động. Sau đó, vừa sản xuất kinh doanh, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng theo yêu cầu của Nghị định 109 trong thời gian chuyển tiếp.
Ngoài ra, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, Việt Nam có tới 211 doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng trong đó chỉ có 47 doanh nghiệp là chủ lực, chiếm tới 87% tổng lượng gạo xuất khẩu. Do đó, số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu tuy còn ít nhưng vẫn đảm bảo được lượng hàng xuất khẩu. Dự kiến, trong năm 2011 này Việt Nam sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, cao nhất từ trước đến nay.
Thanh Long – Nụ Phạm
|