|
Tám tháng đầu năm 2011, Long An đã xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ làm bằng nguyện liệu cây lục bình đạt giá trị gần 10 triệu USD.
Cây lục bình ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa rất dồi dào. Vào mùa lũ, có rất nhiều cây lục bình theo dòng lũ ở thượng nguồn trôi về, cản trở giao thông đi lại.
Trước đây, người dân ở vùng này thường phải tổ chức vớt bỏ hoặc phun thuốc diệt lục bình. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, Sở Công Thương Long An đã vận động bà con khai thác cây lục bình tại chỗ để sản xuất hàng thủ công xuất khẩu.
Sở đã phối hợp với các ngành mở lớp đào tạo dạy nghề đan lục bình cho bà con, đồng thời xúc tiến tìm thị trường xuất khẩu hàng mỹ nghệ từ cây lục bình.
Hàng ngàn hộ gia đình ở các huyện như Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh và Thạnh Hóa từ đó đã bắt đầu khai thác cây lục bình để làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Tại huyện Vĩnh Hưng, các hộ dân hàng ngày dùng xuồng chèo trên sông cắt những cọng lục bình dài từ 0,5 mét trở lên đem về nhà phơi khô để cung cấp nguyên liệu cho các đại lý làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở huyện.
Lục bình khô được bán với giá 10.000-12.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày có thể thu nhập được từ 200.000-250.000 đồng.
Còn ở huyện Mộc Hóa, gần 800 hộ ở các xã Bình Phong Thạnh, Bình Hiệp, Bình Tân, Tân Lập đã tận dụng thời gian rảnh rỗi sau khi mùa vụ kết thúc đi khai thác lục bình trên sông Vàm Cỏ Tây đem về phơi khô, đan giỏ xách, đan thảm, giỏ đựng mỹ phẩm để xuất khẩu.
Loài cây thủy sinh tưởng chừng như chỉ là thứ bỏ đi ấy đã và đang tạo công ăn việc làm cho bà con ở nông thôn Long An, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Theo Vietnam+
|