Dệt may đã đạt được những đột phá vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu (XK) trong gần 3 quý đầu năm 2011, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 30%. Tuy nhiên, với tác động kinh tế ngày một xấu đi tại những thị trường chính như Mỹ, EU, cùng với đó là sự gia tăng chi phí đầu vào trong sản xuất, XK dệt may sẽ về đích không suôn sẻ như dự báo.
Đầu xuôi,đuôi... không lọt
Trong khi kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, XK dệt may tại nhiều nước châu Á không có nhiều thuận lợi thì XK dệt may của Việt Nam đã đạt ngoài dự kiến. Trong 8 tháng đầu năm 2011, XK dệt may Việt Nam liên tục phá vỡ kỷ lục về kim ngạch XK, có những tháng dệt may đạt kim ngạch trên 1,4 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 30%, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt 13,5-14 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, bước vào tháng 9-2011, tình hình đơn hàng, thị trường XK đã bộc lộ những dấu hiệu không tốt cho XK dệt may.
Ngay từ đầu năm, thị trường XK lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam là EU đã gặp khó khăn, mức độ tiêu thụ có giảm chút ít. Với thị trường XK lớn nhất là Mỹ vẫn tăng trưởng tốt. Nhưng đến nay, XK vào Mỹ đột ngột giảm sút. Nền kinh tế Mỹ khó khăn, các nhà nhập khẩu đã có điều chỉnh đơn hàng và số lượng XK.
Tại buổi họp của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) diễn ra tại TPHCM mới đây, một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may lớn tại TPHCM cho biết, thời điểm đầu năm, đối tác nhập khẩu Mỹ có thỏa thuận sản xuất đơn hàng với số lượng lớn nhưng khi xác nhận sản xuất thì đơn hàng này đã giảm mạnh sản lượng, chỉ sản xuất khoảng 20% so với số dự kiến.
XK vào thị trường Nhật hiện nay có khá hơn. Tăng trưởng XK vào thị trường này không phải do tiêu thụ ở thị trường Nhật tốt hơn mà do các nhà nhập khẩu muốn tận dụng thuế suất ưu đãi trong Hiệp định đối tác thương mại giữa 2 nước và xu hướng chuyển đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp XK dệt may Việt Nam đang có thỏa thuận, đàm phán cho những đơn hàng mùa xuân – hè sẽ bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Với biến động kinh tế toàn cầu hiện nay, chắc chắn XK dệt may sẽ còn nhiều khó khăn. Trước biến động này, Vitas dự báo, xuất khẩu dệt may năm 2011 có thể đạt khoảng 13,1 tỷ USD.
Đảm bảo lương thưởng cuối năm
Thị trường XK đang gặp khó khăn, trong khi đó, từ 1-10, mức lương tối thiểu mới được điều chỉnh từ 1,35 triệu đồng lên 2 triệu đồng, các doanh nghiệp dệt may phải tăng thêm chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Khoản tăng thêm này cũng khá lớn đối với những doanh nghiệp có vài ngàn lao động. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, trước thông tin tăng lương này, người lao động chưa hiểu rõ, cứ kỳ vọng mình sẽ được tăng lương tiếp.
Thực tế, không phải chờ mức điều chỉnh tăng lương mới của Chính phủ, từ lâu các doanh nghiệp đã đưa ra mức lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu đặt ra để có thể thu hút người lao động. Vì vậy, việc tăng lương này vô tình dồn thêm cái khó cho doanh nghiệp. Khi mọi chi phí đầu vào sản xuất đều tăng, doanh nghiệp đã nhiều lần điều chỉnh mức lương tăng lên để bù trượt giá cho người lao động, nay doanh nghiệp lại phải chịu thêm phí tăng cho bảo hiểm xã hội và y tế.
Với quá nhiều áp lực hiện nay, các doanh nghiệp dệt may hy vọng Chính phủ sẽ có một chính sách hỗ trợ nào đó để chia sẻ bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Chỉ còn 4 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, doanh nghiệp lo cho tình hình sản xuất và cũng lo tính đến lương thưởng cuối năm cho người lao động. Dù sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều có kế hoạch chu đáo cho người lao động vào dịp cuối năm. Tháng lương 13 là mức chung được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Với mức lương được điều chỉnh tăng lên thêm khoảng 30% so với năm trước, mức thưởng của lao động cũng sẽ tăng theo.
Công ty CP May Sài Gòn 3, một doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại TPHCM và cả nước cho biết, doanh nghiệp vẫn giữ mức thưởng 2 tháng lương cho người lao động. Hiện mức lương của người lao động tại Sài Gòn 3 trung bình ở mức 4 triệu đồng/người/tháng, tính cả thu nhập khoảng 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, mức thưởng năm nay sẽ cao hơn năm trước, bằng 2,2 tháng lương, tương đương 8 - 8,5 triệu đồng/người.
Theo SGGP