Hôm qua (29/11), do nợ nần chồng chất, chi phí
nhân công cao, giá nhiên liệu liên tục leo thang... khiến hãng hàng không
American Airlines và công ty mẹ là AMR Corp buộc phải nộp đơn xin bảo
lãnh phá sản theo chương 11 trong Luật bảo lãnh phá sản của Mỹ.
Tiền nợ nhiều hơn tiền vốn
Cùng với đơn xin bảo lãnh phá sản để tái cơ cấu
lại, American Airlines cũng thông báo Tổng Giám đốc điều hành của American
Airlines là Gerad Arpey sẽ từ chức và Chủ tịch của hãng là Thomas Horton thay
thế ở cương vị này.
Trong những tháng gần đây ngân sách hoạt động
luôn thâm hụt, chi phí lại cao hơn các hãng khác hàng trăm triệu USD. Ngoài ra,
các chi phí phát sinh cộng với giá nhiên liệu tăng đã dẫn tới khoản nợ lên tới
29,6 tỷ USD trong khi tổng giá trị tài sản của American Airlines hiện chỉ còn ở
mức 24,7 tỷ USD.
Vì thế, việc nộp đơn lên tòa án xin bảo lãnh phá
sản là để có thời gian cơ cấu lại tổ chức, giãn nợ và đáo nợ là điều tất yếu.
Mọi hoạt động của hãng, nhất là các chuyến bay, trong thời gian trước mắt vẫn
được duy trì và ít gây ảnh hưởng tới khách hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, hãng có
thể sẽ bỏ các tuyến bay tới những địa điểm ít sinh lời. Lương bổng của đội ngũ
phi công và nhân viên của hãng có khả năng cũng bị cắt giảm.
Ban lãnh đạo AMR Corp. cũng trấn an hành khách
rằng quyền lợi của họ và các chuyến bay không bị ảnh hưởng. Hãng bay này thực
hiện gần 3.000 chuyến bay đến và đi mỗi ngày!
Tại phi trường Los Angeles (LAX), một số hành
khách cho biết họ không lo lắng về chuyện này vì trong quá khứ các hãng hàng
không khác đã đệ đơn xin phá sản, và các chuyến bay, đặt phòng và các quyền lợi
bay (như diểm thưởng…) thường xuyên không bị ảnh hưởng. Thậm chí có phi công
nói thẳng: "Tôi đã mong đợi điều này từ 10 năm nay, nó không làm tôi ngạc
nhiên."
Còn hơn 88.000 công nhân viên của hãng bay này
thì lo sợ cho tương lai của mình. American Airlines đang nợ đến 10 tỉ USD lương
hưu cho bộ máy nhân viên của mình, và có thể nói đó là khoản nợ lương hưu kỷ
lục của hãng này tại Mỹ.
Năm ngoái, American Airlines là hãng hàng không
duy nhất của Mỹ không có lợi nhuận và iếp tục thua lỗ trong năm nay. Vài năm
gần đây, American Airlines khá nhiều thị phần vào các đối thủ khác. Việc United
Airlines và Continental sáp nhập thành United Continental Holdings. (UAL) cũng
gây thêm sức ép cạnh tranh lên hãng này.
Sẽ phải sát nhập?!
Cổ phiếu của AMR giảm hơn 80% trong phiên giao
dịch đóng cửa cuối ngày 29/11, từ mức 1,26 USD/cổ phiếu hôm 28/11 xuống còn 26
xu/ cổ phiếu! Trước đó ngày 7.1.2011, cổ phiếu AMR có giá 8,89USD/cổ phiếu.
Cựu phi công Robert Herbst – hiện là chuyên gia
phân tích tài chính của AirlineFinancials.com cho biết: 95% cơ hội là American
Airlines sẽ sáp nhập với hãng bay khác trong vòng hai năm tới. Hầu hết các hãng
hàng không lớn của Mỹ là sản phẩm của các vụ sáp nhập: United Continental là sự
sáp nhập của United Airlines và Continental Airlines; Delta Airlines mua lại
Northwest Airlines; US Airways hình thành từ vụ sáp nhập vào năm 2005 với
America West Airlines.
Tuy nhiên, US Airways và United Airlines nộp đơn
xin bảo hộ phá sản vào năm 2002, Delta và Northwest làm điều tương tự vào năm
2005.
Với hơn 655 máy bay các loại, American Airlines
là hãng hàng không duy nhất của Mỹ không nộp đơn xin bảo lãnh phá sản sau vụ
khủng bố ngày 11/9/2001. Đến năm 2008, American Airlines vẫn là hãng hàng không
lớn nhất thế giới, nhưng đến thời điểm này đã tụt xuống vị trí thứ ba, hiên
đang hoạt động tại khoảng 260 sân bay của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 16 quý gần đây, AMR Corp bị thua lỗ liên
tục 14 quý. Năm 2010, AMR Corp bị thua lỗ tới 2,7 tỷ USD.
Theo GTVT