Sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu tăng chậm; tồn kho nhiều; sức mua yếu hơn cùng kỳ nhiều năm trước cho thấy tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của nền kinh tế tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn.
Tồn kho nhiều do cầu yếu
Báo cáo của Bộ Công Thương và diễn giải cụ thể của nhiều lãnh đạo các cơ quan quản lý ngành hàng thuộc bộ này ngày 3-4 cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp quí 1 chưa diễn biến theo chiều hướng khả quan hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 4,1% và đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước (quí 1-2011 tăng 9,6%).
Ngành công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất vì chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như: xi măng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép.
Cầu yếu khiến cho lượng hàng tồn kho đến 1-3 tính chung cho công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9%. Nhiều mặt hàng thiết yếu, là đầu vào cho sản xuất còn đọng lại như lượng tồn kho của phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29,0%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11,0%...
Sức sản xuất yếu như vậy cũng là nguyên nhân lý giải lượng điện thương phẩm quí 1 năm nay của toàn ngành kinh tế chỉ tăng 9,9%.
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, với tổng công suất lắp đặt của toàn ngành điện là 24.000 MW và tình hình thủy văn thuận lợi, tích nước của các hồ thủy điện đúng yêu cầu cộng với tình hình sản xuất khó có đột biến thì năm nay ngành điện đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế.
Khó khăn của sản xuất, của tiêu thụ còn phải ánh ở tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 3 tháng đầu năm nay tăng 21,8% so với cùng kỳ. Song nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 5%, một mức tăng thấp nhất so với mức tăng trên 10% trong vài năm trở lại đây (trừ năm 2009).
Lo từ nhập khẩu giảm mạnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho rằng, tình hình nhập siêu tính chung cả quí 1 chỉ là 251 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 3 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu hơn 1% chưa phải là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.
Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quí 1 ước đạt 24,5 tỉ đô la, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011, song KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước “dậm chân tại chỗ” ước đạt gần 9 tỉ đô la Mỹ, bằng cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 63,3% tổng KNXK của cả nước, tăng 43,1%. Nếu không kể dầu thô KNXK của các doanh nghiệp có vốn tư nước ngoài đạt 13,8 tỉ đô la, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Giá xuất khẩu hàng hoá cũng bị giảm, trừ mặt hàng hạt tiêu và mặt hàng gạo. Nhóm khoáng sản có mặt hàng than đá giá xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Nó khiến cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản giảm khoảng 330 triệu đô la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của than đá giảm 66 triệu đô la Mỹ, tính chung do giá xuất khẩu giảm đã làm giảm KNXK khoảng 396 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình nhập khẩu hàng hóa quí 1 tuy tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011 (2011 tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước) nhưng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước giảm 10,9% so với cùng kỳ cho thấy nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đã giảm mạnh.
Việc siết chặt đầu tư công cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu bị tác động vì nhóm mặt hàng cần thiết nhập khẩu hàng năm chủ yếu là máy móc, thiết bị cho các công trình lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Với tình hình xuất nhập khẩu như trên, mục tiêu xuất khẩu năm nay tăng 13% không còn nhiều thuận lợi. Phân tích của Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho thấy, để đạt được mức tăng cho năm nay, nền kinh tế cần nhập một lượng hàng hóa đầu vào ước tính 108 tỉ đô la. Do quí 1 bình quân mỗi tháng đạt khoảng 8,1 tỉ đô la nên 9 tháng còn lại cần nhập khoảng 9,3 tỉ đô la/tháng để sản xuất mới đạt được mức tăng xuất khẩu cần thiết.
“Đó là một khó khăn”, ông Hải nói. Ông cho biết thêm là Bộ Công Thương đã yêu cầu các vụ chức năng có đánh giá cụ thể hệ lụy và tác động của việc giảm nhập khẩu ở từng nhóm hàng hóa để kịp thời có đối sách phù hợp, gỡ khó cho sản xuất.
Theo KTSG