|
Một kỷ nguyên kinh doanh mới đang đòi hỏi việc hình thành một thế hệ CEO mới ở VN, và tại Vietnam CEO Forum 2012 được tổ chức vào ngày 20/9/2012, hơn 600 CEO đang điều hành các doanh nghiệp có quy mô khác nhau ở mọi lĩnh vực đã cùng nhau hội tụ để tìm ra bức chân dung, các kỹ năng cần có của thế hệ CEO thứ ba của nền kinh tế Việt Nam.
Có chủ đề là “CEO 3.0: Xuyên thách thức – Nắm vận hội”, Vietnam CEO Forum 2012 là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức với sự liên kết của 6 hiệp hội gồm Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, CLB Doanh nhân Sài Gòn, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, CLB Doanh nhân 2030, CLB CEO TP.HCM và Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tại sự kiện, các CEO cùng nhận định: Thế hệ CEO đầu tiên (CEO 1.0) của Việt Nam là giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, nắm hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành, sản xuất, thực hiện sứ mệnh đảm bảo cung - cầu nền kinh tế, giúp nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội sau khi đất nước giải phóng. Thế hệ CEO 2.0 xuất hiện khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, chuyển sang cơ chế thị trường, cùng với việc gia nhập WTO, những luồng tri thức kinh doanh toàn cầu với sự tham gia thị trường của những tập đoàn đa quốc gia. Và cuộc khủng hoảng hiện nay cùng bối cảnh hội nhập của Việt Nam với thế giới đang yêu cầu các CEO Việt thay đổi, đáp ứng nhu cầu của thời cuộc. Thời điểm này là của CEO 3.0 – những người có khát vọng và năng lực cạnh tranh khi ra biển lớn.
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Vina Capital, phụ trách đầu tư và quản lý nguồn vốn cho rằng: Làm CEO là phải biết “đói” thành công và khát khao thành công. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế hiện nay, theo ông Andy Hồ: “Các giám đốc điều hành cần phải dám thay đổi. Bên cạnh đó, CEO phải biết nhìn ra điểm yếu của mình như các doanh nghiệp Việt Nam thường là nhỏ, công ty gia đình nên quản trị và về tài chính còn chưa chú trọng.
Ông Andy Hồ tiết lộ: Một năm quỹ đầu tư Vina Capital nghiên cứu từ 200 đến 300 công ty nhưng chỉ quyết định đổ tiền vào khoảng 5-10% số đó. Và với Vina Capital thì bản chất, phẩm chất, kỹ năng của người điều hành doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, TGĐ tập đoàn Berjaya Việt Nam chia sẻ rằng: CEO 3.0 là thế hệ những người thay thế những thế hệ CEO 1.0, 2.0 để tiếp tục điều hành doanh nghiệp, hoặc chính những CEO thế hệ trước phải tự thay đổi mình để phù hợp với thời đại. Đó là chính là chân dung CEO 3.0
Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề “tìm người kế nhiệm”, các CEO đang tại vị cũng có rất nhiều băn khoăn. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh Đô cho biết: Việc mời một CEO được đào tạo tại Mỹ, có trình độ Tiến sĩ về điều hành Công ty và trả lương đến 20.000 USD/1 tháng hoàn toàn nằm trong tầm tay của Kinh Đô. Tuy nhiên: “Họ giỏi quản trị nhưng lại thiếu sắc bén, định hướng. Nếu phải thay thế tôi vẫn chọn người nội bộ” – ông Nguyên chia sẻ.
Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Pace – Viện trưởng Viện Ired thì: “Người đứng đầu doanh nghiệp lớn chắc chắn là người giỏi, tài năng, nhưng càng tài năng điểm “mù” càng lớn. Họ không dễ nhìn thấy sự đổi thay để biến doanh nghiệp mình thành lớn hơn”. Nhận định chung, ông Trung cho rằng, Việt Nam chỉ mới có những cá nhân CEO 3.0 chứ chưa có một thế hệ người điều hành 3.0. “Chúng ta đang nỗ lực để có thế hệ mới đó. CEO thời này phải nghĩ rằng không còn là hội nhập mà phải cạnh tranh để đưa doanh nghiệp sánh vai thế giới” - ông Trung chia sẻ.
Ngoài việc định hình chân dung CEO 3.0 với tư duy, năng lực, giá trị mới, Vietnam CEO Forum 2012 còn đi sâu vào chia sẻ, thảo luận những khái niệm quản trị có nhiều hiệu quả nhưng chưa được các CEO ứng dụng phổ biến. Những khái niệm quản trị này đã và đang được các CEO hàng đầu thế giới thực hành để vượt khủng hoảng và duy trì sự thành công trong thị trường toàn cầu, như “Khác biệt hóa bằng sáng tạo”, “Quản trị rủi ro”, “Hiệu quả nguồn vốn nhân lực”, hay “CSR-nền tảng sự phát triển bền vững”…
Nụ Phạm
|