Hôm nay, ngày 14/9/2012, sáu quốc gia thành viên Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) kỷ niệm 20 năm hợp tác kinh tế. Trải qua hai thập kỷ, Chương trình GMS đã đầu tư khoảng 15 tỉ USD vào các dự án về đường xá, sân bay và đường sắt, điện, cơ sở hạ tầng du lịch và phòng tránh dịch bệnh lây truyền của tiểu vùng, với tổng số tiền đóng góp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lên tới hơn 5 tỉ USD.
ADB đã hỗ trợ cho Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS ngay từ khi chương trình bắt đầu triển khai vào đầu năm 1992. Cùng với hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, tư vấn, ADB hoạt động với vai trò là Ban thư ký và cơ quan điều phối của Chương trình GMS.
Ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phụ trách khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhận định: “Chương trình GMS biến đổi một tiểu vùng từng bị cô lập một thời thành một hình mẫu hội nhập kinh tế. Nếu các quốc gia trong GMS tiếp tục tăng cường hợp tác, thì tương lai sẽ là một tiểu vùng hội nhập, thịnh vượng và hài hòa tại tâm điểm của châu lục năng động nhất thế giới”.
Hành lang giao thông đã được triển khai, điện đã được bán qua biên giới, và các sáng kiến đã được đề xuất để thúc đẩy du lịch, chống lại sự lây lan của bệnh tật và bảo vệ đa dạng sinh học mỏng manh của khu vực. Các khoản đầu tư này đi cùng với tăng trưởng kinh tế hàng năm trong khu vực GMS từ 6% đến 8% một năm, giảm mạnh nghèo đói cùng cực và tăng gấp ba lần thu nhập thực tế bình quân đầu người.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS vào tháng 12 năm 2011 vừa qua, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã thông qua một kế hoạch chiến lược mới cho thập kỷ tiếp theo. Kế hoạch này sẽ phát huy những thành tựu về cơ sở hạ tầng trong khi chú trọng hơn nữa vào các vấn đề thể chế, chính sách và pháp lý để giải phóng tiềm năng to lớn của khu vực về thương mại và đầu tư, đồng thời giúp tăng trưởng toàn diện hơn và bền vững hơn về môi trường khi phải đối mặt với vấn đề gia tăng khoảng cách trong phát triển và thịnh vượng.
Những sáng kiến mới sẽ tập trung vào việc biến hành lang giao thông thành các trung tâm kinh tế chính thức có thể khai thác cơ hội ở Châu Á; thúc đẩy phát triển đô thị dọc theo các tuyến hành lang; cải thiện đường trục cấp hai để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của cộng đồng người nghèo và bị cô lập; phát triển một thị trường điện khu vực; thực hiện đầy đủ các hiệp định vận tải xuyên biên giới để tăng tốc lưu chuyển dòng người và hàng hóa thông qua vận tải đa phương thức; và đẩy mạnh các nỗ lực tập thể để giải quyết biến đổi khí hậu, đô thị hóa, di cư lao động và buôn bán người. Chương trình GMS cũng sẽ nhằm vào các phương thức gia tăng đầu tư khu vực tư nhân vào các dự án khu vực, bao gồm cả quan hệ đối tác nhà nước – tư nhân.
Các quốc gia thành viên GMS là Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (chủ yếu là các tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Quảng Tây). Tiểu vùng, cùng bao quanh bởi sông Mê-kông, chiếm diện tích bằng kích thước của Tây Âu và có tổng dân số hơn 320 triệu người.
MINH CHÍNH