Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng 10% so với năm 2012. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8%.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012; Trong đó, dự kiến nhóm hàng nông thủy sản có kim ngạch xuất khẩu 21,6 tỷ đôla, tăng 3% so với năm 2012. Bộ đánh giá, dù có lợi thế về năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị nông thủy sản tăng còn thấp, do vậy năm nay cần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, sản phẩm chất lượng cao.
Nhóm khoáng sản sẽ giảm khối lượng xuất khẩu thô chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, dự kiến đạt kim ngạch 12,2 tỷ tăng 4% so với năm 2012. Riêng ngành công nghiệp chế biến được đánh giá sẽ khó giữ được mức tăng trưởng cao như năm 2012 do một số mặt hàng như điện tử, điện thoại chưa có quy mô sản xuất mở rộng.
Năm nay, ngành xuất khẩu tiếp tục mở rộng thị trường sang khu vực châu Á, Âu, Mỹ, Phi... Trong đó, châu Á dẫn đầu về thị trường xuất khẩu của Việt Nam với 67 tỷ đôla, tăng hơn 11% so với năm 2012.
Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2012. Trong đó, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8%, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 8%. Trong đó các nhóm hàng cần thiết nhập khẩu như máy móc, thiết bị, phụ tùng vẫn tiếp tục gia tăng. Riêng nhóm cần kiểm soát nhập khẩu (như đá quý, kim loại quý, phụ tùng ôtô 9 chỗ trở xuống) và hàng hạn chế nhập khẩu (gồm ôtô, xe máy nguyên chiếc) cũng tăng hơn 19% lần lượt đạt dự kiến đạt 5,7 tỷ đôla và 6,5 tỷ đôla.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tổng kết ngành công thương ngày 11/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trước mắt cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu.
Thủ tướng cũng chỉ ra ngành công nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém, chiến lược quy hoạch còn hiệu quả thấp, công nghiệp phụ trợ còn chậm. "Ai cũng nói hình hài ngành công nghiệp sẽ ra sao, vì ôtô chẳng ra ôtô tàu thủy cũng không ra tàu thủy", Thủ tướng thẳng thắn.
Do vậy, theo Thủ tướng, để thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; từng bước chuyển từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu đề ra (tăng 13%). Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 36,9%, đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 63,1% đạt khoảng 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%.
Theo thuongmai.vn