Mặc dù vẫn chịu áp lực từ suy thoái kinh tế tuy nhiên sau 3 tháng đầu của năm 2013, các lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10 tỷ USD và sau 3 tháng đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Theo báo cáo tổng hợp từ các bộ ban ngành chức năng, xuất khẩu hàng hóa quý 1/2013 đã đạt những kết quả nổi bật.
Trung bình mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt sấp xỉ 10 tỷ USD, và 19,7% là tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2012. Đây là tốc độ tăng khá cao xét dưới các góc độ khác nhau. Cao hơn nhiều tốc độ tăng theo kế hoạch đề ra cho cả năm là 10% và tiến độ này là tín hiệu khả quan để vượt kế hoạch cả năm.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đạt hiệu xuất tăng trưởng xuất khẩu trên 19% đã phần nào phản ánh được mức độ hiệu quả của công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính Phủ cũng như những chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía các cơ quan chức năng đối với cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong suốt 3 tháng qua.
Trao đổi với Chủ tich Euro Champ, ông Preben Hjortlund cho biết, theo quan sát của tôi thì trong thời gian vừa qua những chính sách về kinh tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực, cụ thể nhất là những chính sách hỗ trợ DN về các vấn đề tài chính, vốn vay từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Điều này đã mang lại nhiều cơ hội cho các DN đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
"Mức độ kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng là 1 minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực điều hành kinh tế của các cơ quan quản lý trong thời gian 3 tháng qua", ông Preben Hjortlund nói.
Một tín hiệu tích cực nữa đó là việc nhập siêu đã quay trở lại trong thời gian qua. Tỷ trọng nhập siêu tại hai trung tâm kinh tế lơn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lần lượt là 2,9 tỷ USD và 617 triệu USD sau 3 tháng.
Nhìn nhận một cách chính xác thì việc nhập siêu quay trở lại đã phản ánh được nhu cầu sản xuất của phần lớn các thành phần kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục.
Những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt cũng lần lượt đạt được những thành tựu mới trong công tác xuất khẩu. Nổi bật nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện với kim ngạch 4,48 tỷ USD tiếp sau đó là dệt may với kim ngạch 3,79 tỷ USD.
Ông Phí Ngọc Trịnh, Phó TGĐ Công ty May Hồ Gươm cho hay, mặc dù đây là thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn song theo tôi về cơ bản thì bên cạnh những khó khăn thì các DN xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội.
Khó khăn là vậy nhưng trong 3 tháng vừa qua, Công ty May Hồ Gươm vẫn có tốc độ tăng trưởng ước đạt từ 10 cho đến 20%. Và từ thời điểm quý 2/2013, chúng tôi kỳ vọng quá trình tăng trưởng kim ngạch sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa", ông Trịnh nói.
Về cơ cấu nhập khẩu hàng hoá sau 3 tháng cũng có những thay đổi rõ rệt so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong quý I là điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 51,5% so với cùng kỳ. Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác đạt 3,92 tỷ USD tăng 8,1%, vải đạt 1,61 tỷ USD và xăng dầu đạt 1,61 tỷ USD.
Mặc dù năm nay vẫn được nhìn nhận là một năm khó khăn tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì sau một thời gian suy giảm, nhu cầu của phần lớn các thị trường sẽ lại được hồi phục và những tháng tiếp theo của năm nay chính là thời điểm thích hợp nhất cho các DN xuất khẩu đẩy mạnh quá trình mở rộng và khai thác những giá trị kinh tế từ các thị trường tiềm năng.
Theo InfoTV