Mặc dù các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang gặp phải những khó khăn do cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng hoạt động xuất khẩu đồ gỗ, đồ nội ngoại thất của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012 vẫn có sự tăng trưởng. Và điều đó đang được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục lặp lại, thậm chí có thể tốt hơn trong năm 2013.
Tại hội thảo do Dun&Bradstreet (D&B) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) vừa tổ chức sáng ngày 28/3/2013 ở Thành phố, Giám đốc Phát triển Kinh doanh D&B – ông Đàm Huy Bình – cho biết, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ nội-ngoại thất VN đạt 4,67 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2011. Với kết quả này, Việt Nam đang xếp hạng xuất khẩu thứ 6 trên thế giới và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm qua, có tỷ lệ đóng góp vào kim ngạch này lần lượt: 39% tại Mỹ, Trung Quốc 15%, EU 14%, Nhật Bản 14%, các thị trường khác 13% và đặc biệt năm nay còn có thị trường mới nổi là Hàn Quốc chiếm 5%. Riêng thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ, với doanh số nhập khẩu toàn cầu năm 2012 lên tới 60 tỷ USD, có 60% đồ gồ nội thất, 30% đồ gỗ văn phòng và 10% còn lại thuộc sản phẩm dành cho trường học, bệnh viện, nhà thờ.
Thống kê cụ thể hơn nữa, ông Bình dẫn nguồn từ D&B Hoovers cho biết trong số đó, 20% là sản phẩm gỗ có bọc lót và 20% nữa đến từ sản phẩm gỗ không bọc lót, 35% là gỗ thiết bị tủ bếp và 10% thuộc về rèm, màn cửa. Đáng chú ý, có tới 15% trong doanh số này được đóng góp từ nhập khẩu nệm. "Đây có thể là những thống kê chỉ ra khá rõ ràng các hướng đi để phát triển các sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam, tốt hơn trong thời gian tới", đại diện D&B nhấn mạnh.
Theo dự đoán, tăng trưởng tiêu dùng đồ - nội ngoại thất năm 2013 ở thị trường Mỹ sẽ tăng khoảng 4,3%. Bên cạnh rủi ro quốc gia do lĩnh vực kinh doanh này không phải hàng thiết yếu và tùy thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, thì xu hướng sử dụng đồ gỗ nội – ngoại thất của Mỹ cũng đòi hỏi các nhà cung cấp sẽ phải hướng đến mẫu mã thiết kế và chất lượng sản phẩm. Song song, các nhà nhập khẩu cũng có xu hướng tăng sử dụng hệ thống quản lý hàng tồn kho nhằm theo dõi hàng có sẵn, đo lường thời gian xuất nhập tồn, giao hàng đúng hẹn và giảm chi phí tồn kho. Điều này dẫn đến yêu cầu chặt chẽ trong chọn lựa nhà cung cấp phải có dây chuyền sản xuất tốt, năng lực tốt về tài chính, kết hợp với những dịch vụ vận chuyển cam kết thời gian phát hàng nhằm đảm bảo giao hàng đến đúng hẹn. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu còn có xu hướng yêu cầu nhà cung cấp cho nợ lâu hơn do dòng tiền mặt không được tốt. Như vậy, đòi hỏi đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ là nâng cao tay nghề lao động, chú trọng khâu thiết kế: luôn theo dõi hành vi tiêu dùng, sở thích và diễn biến mẫu mã sản phẩm của thị trường đang hướng đến; thiết lập lộ trình về xây dựng và phát triển thiết kế, kỹ thuật; tích cực thâm nhập thị trường toàn cầu và tiếp cận khách hàng đa dạng qua các chiến lược tiếp thị và bán hàng phù hợp, tránh phụ thuộc vào một số khách hàng cố định .v.v. . Điều đáng nói, trong số các yêu cầu đó, Việt Nam vẫn đang "rất yếu" về thiết kế mẫu mã, đa dạng sản phẩm và tiếp thị bán hàng.
Vậy, các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và tận dụng được cơ hội năm 2013, qua đó đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đồng thời giảm thiếu rủi ro từ những thách thức đến từ nội tại lẫn khách quan bên ngoài, là gì? Tại hội thảo, đại diện Cục Thương mại Điện tử Bộ Công Thương đã thuyết trình về các phương thức sử dụng thương mại điện tử như một công cụ hữu hiệu tiếp cận các quyết định mua hàng của khách hàng cũng như các chính sách Nhà nước liên quan đến hoạt động của ngành. Song song, một trong hai nhà tài trợ hội thảo – Bảo hiểm AIG Việt Nam, thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Toàn cầu AIG cũng đã chia sẻ giải pháp quản trị rủi ro trong hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp và đại diện FedEx giới thiệu các phương thức có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp lĩnh vực của mình và các lĩnh vực liên đới.
Cũng theo thống kê, ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam hiện đang có khoảng 2.500 doanh nghiệp trong nước và khoảng 400 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành này đang thu hút khoảng 300.000 nhân công lao động và là một trong những mũi nhọn xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua.
Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử