|
Ba tháng đầu năm, xuất khẩu đạt kết quả nổi bật với kim ngạch tăng 19,7% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 10% đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, tăng trưởng chủ yếu đến từ các mặt hàng công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ít, tăng trưởng thấp, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực thậm chí bị sụt giảm.
Bị động và thiếu thông tin thị trường
Thống kê xuất khẩu quý I-2013 cho thấy, nhiều mặt hàng công nghiệp có mức tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như điện thoại các loại và linh kiện (4,48 tỷ USD); dệt may (3,79 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,9 tỷ USD)… Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ ước đạt 6,56 tỷ USD (tăng 6,2% so với cùng kỳ); trong đó chỉ lâm sản tăng trưởng, còn nông sản giảm 5,4% và thủy sản giảm 5,9%.
Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước, hoạt động xuất khẩu của DN gặp rất nhiều khó khăn vì sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chủ lực giảm; còn ở trong nước thì DN thiếu vốn, lãi suất cao... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh các khó khăn của nền kinh tế trên thì còn nhiều vấn đề nội tại của DN Việt Nam khiến sức cạnh tranh giảm. DN đã có thị trường nhưng không giữ được, hoặc thị trường mới nhưng chưa biết khai thác. Ví dụ, Myanmar mới mở cửa kinh tế khi Mỹ và EU bỏ cấm vận, khoảng trống thị trường rất dồi dào và nhiều DN Việt Nam đang "nhắm" đến thị trường này. Tại Diễn đàn xuất khẩu 2013 vừa được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar cho biết, nhiều DN đã tìm đến Thương vụ Việt Nam tại Myanmar nhờ tìm đối tác tiêu thụ hàng tồn vì cho rằng Myanmar mới mở cửa nên thiếu hàng hóa và dễ tính. Đây là cách làm ăn bị động, ngộ nhận và thiếu thông tin thị trường và khó có thể thành công, vì dù Myanmar mới mở cửa nhưng trước đó thị trường này đã rất phát triển. Myanmar còn là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, vì vậy họ không hề thiếu thông tin. Ông Cường nhận xét, một số DN Việt Nam vẫn còn cách làm ăn chưa bài bản, thường chỉ tìm đối tác mà không chú trọng làm marketting, xây dựng thương hiệu nên xuất khẩu chưa bền vững.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng cho biết, các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… của Việt Nam rất hợp thị hiếu người Nhật và cũng là những mặt hàng được giảm thuế theo lộ trình Hiệp định Thương mại tự do Việt - Nhật (VJEPA) nên rất có tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong khi thị trường Nhật rất khắt khe với các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang bị kiểm tra 100% thì một số DN Việt Nam vẫn chủ quan với các tiêu chuẩn này. Chính vì vậy năm 2012, nhiều lô hàng tôm khi xuất sang Nhật đã bị trả về do vượt quá dư lượng ethoxyquin (chất chống ôxy hóa phổ biến trong thức ăn chăn nuôi) đã làm ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu của hàng Việt Nam.
Còn nhiều cơ hội khai thác thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, phát triển thị trường trong năm 2013 đúng là khó khăn vì hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam đều phải đối mặt với các vấn đề nội tại của mình, như dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm, khu vực EU vẫn đang tiếp tục khủng hoảng nợ công… Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thuận lợi và cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam, bởi các nước cũng đã và đang tung ra các gói kích cầu cho tiêu dùng trong nước của họ, gián tiếp tạo thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam.
Tham tán thương mại tại các nước cũng cho rằng còn nhiều cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam. Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết thông tin thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật là sau nhiều năm tự kiểm tra và quyết định chất lượng các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, thì từ ngày 15-3 nhiều mặt hàng thủy sản, thực phẩm được Nhật chấp nhận kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm ở Việt Nam. Ở thị trường Myanmar, ông Vũ Cường cho rằng Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm nên có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này. Còn theo ông Nguyễn Bảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, nước này có nhu cầu lớn về nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam có ưu thế như đồ gỗ, thủy sản, rau quả… Mỗi năm, Australia có nhu cầu nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD đồ nội thất nhưng Việt Nam chỉ mới xuất sang thị trường này 120 triệu USD và cũng chưa xuất khẩu được mặt hàng rau quả nào sang nước này. Theo các đại diện thương mại, nếu nắm vững nhu cầu thị trường, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn về hàng hóa của thị trường nhập khẩu thì các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Theo Hà Nội Mới Online
|