Những tháng cuối năm sẽ là thời điểm để các DN xuất khẩu tăng tốc hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2013 và chuẩn bị đón các cơ hội mới.
Thời gian qua, các DN ngành chế biến xuất khẩu gỗ đã nhanh chóng khai thác các cơ hội thuận lợi từ thị trường xuất khẩu có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH SB Furniture - cho biết, hiện mỗi tháng xuất khẩu được 5 container đồ gỗ, trong đó 2/3 vào thị trường Nhật Bản còn lại sang Mỹ, đơn hàng sản xuất công ty cũng đã ký đến hết năm 2013.
Công ty Bảo Hưng, từ đầu năm đến nay số lượng khách Nhật đặt hàng cũng tăng 60%. Năm ngoái, công ty có doanh thu xuất khẩu 5 triệu USD thì năm nay dự kiến sẽ đạt 8 triệu USD và sẽ tăng thêm trong năm 2014.
Ông Nguyễn Quốc Khanh- Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (Hawa) cho biết, với sự tăng trưởng các đơn hàng xuất khẩu gỗ như hiện nay đòi hỏi các DN phải có sự chuẩn bị đón nhận bằng cách tăng cường năng lực sản xuất, đầu tư mạnh cho thiết kế, tuyển thêm nhân công lành nghề...
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu giày dép trong thời gian qua cũng tăng trưởng khả quan. Tại Đồng Nai, mặt hàng giày dép đang dẫn đầu về xuất khẩu với kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD/ trong 9 tháng năm 2013. Ông Woo Bang – Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Chang Shin (chuyên sản xuất giày Nike xuất khẩu) - cho biết sẽ mở rộng nhà máy tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trị giá 12 triệu USD, dự kiến sẽ tạo thêm 1.800 việc làm cho người dân địa phương.
Ông Phan Văn Xô- Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Bình Dương - chia sẻ, hiện nay đã có 156 DN xuất khẩu lớn ký hợp đồng sản xuất - xuất khẩu đến cuối năm. Một số mặt hàng có đơn hàng lớn nhất là dệt may và giày da đang phát triển ở mức cao. Hầu hết các DN kinh doanh các mặt hàng này đều có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2013.
Theo ông Xô, hiện nay, các DN tại Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) đang dịch chuyển các đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam bởi từ 1/1/2014 giày dép xuất khẩu vào EU của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam- EU chính thức có hiệu lực (dự kiến 2015), thuế suất nhiều chủng loại giày dép của Việt Nam vào EU là 0%. Đây cũng là một lợi thế lớn để giày dép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và cạnh tranh với các quốc gia khác.
Mặc dù có những tín hiệu tốt về tăng trưởng xuất khẩu nhưng nhìn tổng thể, nhiều DN vẫn ở trong tình trạng khó khăn. Cụ thể như việc tiếp cận vốn vay vẫn khó, giá nguyên nhiên liệu tăng, khó khăn từ nội tại của các DN bởi trong mấy năm gần đây nhiều DN xuất khẩu có cấu trúc kinh doanh chưa hợp lý. Ngoài ra, các DN trong nước còn có các khó khăn về thị trường phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác, nhất là những nền kinh tế mới nổi.
Như vậy, ngoài sự nỗ lực của từng DN, ngành hàng, trong việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2013, các ngành quản lý chức năng cũng cần thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó có việc áp dụng chính sách mới để khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường mới và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương