Công nghệ chế biến dẫn đầu, 7 năm liên tục (từ năm 2006-2012) giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều, tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều của Việt Nam cũng đang lâm vào tình cảnh như nhiều mặt hàng nông sản khác là lượng nhiều, giá thấp, thiếu nguyên liệu và vốn để hoạt động.
Vẫn nỗi lo thiếu nguyên liệu
Tính đến hết tháng 9/2013, xuất khẩu điều đạt 188.000 tấn với giá trị 1,19 tỷ USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Mục tiêu năm 2013, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 220.000 tấn nhân điều, kế hoạch 32.000 tấn còn lại của quý IV có khả năng thực hiện được nếu các DN đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu và vốn để hoạt động. Tuy nhiên, cái khó của DN ngành điều hiện nay là nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Chỉ tính riêng Hiệp hội điều Đồng Nai, mỗi năm các DN thành viên chế biến từ 130-150 ngàn tấn điều thô nhưng nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Do khó khăn về vốn nên năm nay DN ngành điều cũng chỉ nhập được sản lượng nguyên liệu bằng 70% so với những năm trước. Những tháng còn lại của năm 2013, các DN có nhu cầu nhập vào khoảng 140.000 tấn nguyên liệu để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ông Phạm Phi Hùng- Tổng giám đốc Công ty TNHH Nguyên Thông (Phú Yên)- DN lớn trong lĩnh vực xuất khẩu điều với sản lượng 1.500 tấn và doanh thu 7 triệu USD/năm, chia sẻ: Công nghệ chế biến điều của Việt Nam đứng số 1 thế giới, trình độ lao động cũng đứng đầu nhưng do thiếu vốn và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên các DN hay gặp rủi ro, xuất khẩu điều vì thế thiếu tính ổn định, bền vững.
"Chìa khóa" trong tay ngân hàng?
Thị trường xuất khẩu ổn định, hàng tồn kho hầu như không có, thiếu vốn là nỗi lo lớn nhất của các DN ngành điều. Thay vì bán nguyên liệu cho DN chế biến xuất khẩu trong cùng hiệp hội, nhiều DN thu mua nguyên liệu điều đã phải bán ở bên ngoài với giá rẻ hơn để có tiền quay vòng sản xuất. Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Đồng Nai, phương án đảm bảo đủ nguyên liệu được đưa ra là những DN thành viên hàng đầu trong hiệp hội sẽ nhập khẩu nguyên liệu cho các hội viên còn lại và mua sản phẩm của họ để xuất khẩu. Thế nhưng, bài toán này cũng không dễ giải khi mà các DN lớn ấy cũng không mấy dư giả về vốn để mua hàng. Đơn cử như Công ty Donafood cần tới 70 triệu USD để mua 70-80 nghìn tấn nhân điều cho các DN trong cùng hiệp hội.
Ông Phạm Phi Hùng cho rằng: Năm 2013 xuất khẩu của ngành điều có thể đạt mục tiêu đề ra nhưng sẽ có nhiều DN "chết" bởi thực tế khó khăn của DN điều đã âm ỉ từ lâu, nhiều DN giấu lỗ. Chế biến và xuất khẩu điều là ngành cần vốn lớn, nên nếu tính toán thiếu cẩn trọng, DN sẽ dễ bị thua lỗ. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, "chìa khóa" mở lối thoát cho DN ngành điều chính là từ ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng cần kiểm tra năng lực thực tế của DN, nếu thấy DN vẫn có cơ hội phát triển, còn đơn hàng thì nên khoanh nợ để DN duy trì sản xuất. Trao cơ hội cho DN thì các ngân hàng cũng đã tạo thêm cơ hội cho chính mình trong việc thu hồi được những khoản nợ trước đó.
Theo Báo Công Thương Điện Tử