Myanmar chưa có ngân hàng nước ngoài hoạt động khiến chi phí dịch vụ tăng cao khi chuyển tiền. Lao động của Myanmar cũng kém chăm chỉ hơn so với Việt Nam.
Đây là những rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang thị trường Myanmar được các lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại buổi tọa đàm "Myanmar - Thị trường mới nổi" tổ chức ngày 24/4.
Theo ông Hoàng Thịnh Lâm, nguyên Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, hiện Myanmar chưa có các ngân hàng nước ngoài hoạt động nên các doanh nghiệp muốn chuyển tiền sang đây chủ yếu phải thông qua ngân hàng của Singapore, khiến chi phí của doanh nghiệp bị đẩy lên cao.
"Phí chi trả cho trung gian chiếm tới 30% giá trị hợp đồng, nếu doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận thì các chi phí đó cũng gây khó khăn, ông Vũ Văn Chung - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Việc thiếu ngoại tệ trầm trọng sau 20 năm cấm vận cũng khiến doanh nghiệp nước ngoài "khốn đốn" khi hoạt động ở Myanmar. Ông Vũ Văn Chung dẫn phản ánh của doanh nghiệp và Hiệp hội các nhà đầu tư vào Myanmar cho hay, có thời điểm chênh lệch tỷ giá trong và ngoài hệ thống lên tới 200 lần. Tuy nhiên, mới đây Myanmar đã thực hiện chính sách nới lỏng quản lý ngoại tệ và phần nào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thuê lao động tại Myanmar cũng khiến doanh nghiệp "đau đầu". Theo ông Nam, "lao động Myanmar cứ hết giờ làm việc thì về". Tổng giám đốc Citicom Lê Phụng Thắng lưu ý chi phí phải trả cho lao động Myanmar cao hơn Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là với lãnh đạo cấp cao do đội ngũ này ở Myanmar rất ít.
Ngoài ra, chuyên môn tay nghề lao động thấp, khả năng thích nghi của lao động Myanmar kém .
Văn phòng, khách sạn tại Myanmar khan hiếm cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí đắt đỏ khi đặt phòng hoặc thuê địa điểm làm việc. "Tiền khách sạn tại Myanmar lên tới 200 USD mà nhiều lúc đặt trước còn không có", đại diện Citicom phản ánh. Lãnh đạo một doanh nghiệp cũng thông tin với VnExpress rằng, giá thuê văn phòng hạng C tại Myanmar lên tới 65 USD/m2, gấp rưỡi giá thuê văn phòng hạng A tại trung tâm Hà Nội.
Không chỉ mắc những trở ngại từ phía nước bạn, ông Chu Công Phùng - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar thông tin rằng nghiệp doanh nghiệp phản ánh việc cấp phép đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn. "Liệu có hay không tình trạng hạn chế đầu tư ra nước ngoài tại thời điểm này", ông Phùng chất vấn.
Trước vấn đề này, ông Vũ Văn Chung giải thích, do kinh tế khó khăn, năm 2011 Ngân hàng Nhà nước có văn bản hạn chế doanh nghiệp vay ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài và được Chính phủ chấp thuận. "Đây là việc điều tiết của Chính phủ ở những giai đoạn nhất định", ông Chung nói.
Liên quan đến việc chậm trễ trong cấp phép, ông Chung cho rằng đây là lỗi ở doanh nghiệp khi chưa nghiên cứu sâu, đầy đủ các thủ tục để được cấp phép đầu tư ở Myanmar. "Nếu doanh nghiệp vướng ở khâu hồ sơ thì rất khó đẩy nhanh cấp giấy phép", ông phát biểu.
Từ đó, lãnh đạo Cục đầu tư nước ngoài khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam muốn xin cấp phép đầu tư sang Myanmar thì phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và chủ động làm việc với các cơ quan cấp phép để có cơ sở tốt nhất. "Nếu hoàn thành tốt thì trong phạm vi 1 tháng có thể cấp phép được", vị này cho hay.
Song, các doanh nghiệp và lãnh đạo Nhà nước vẫn khẳng định Myanmar là một thị trường đầy tiềm năng và ví đây như "mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á". Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều cá nhân và đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát tại Myanmar.
Theo Đại sứ quán Myanmar tại Hà Nội, bình quân mỗi ngày nước bạn cấp trên 100 visa Hộ chiếu phổ thông cho khách Việt Nam sang tham quan du lịch, khảo sát thị trường, giao thương hội thảo, đàm phán thương mại, đầu tư. Đường bay Hà Nội - Yangon và TP HCM - Yagon mặc dù mỗi tuần có 3 chuyến trở lên nhưng khách muốn bay đúng lịch phải đặt vé trước cả chục ngày.
Phía Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cũng cho biết, từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm Đại sứ quan đón tiếp và thu xếp chương trình khảo sát, hội thảo, hội chợ và gặp gỡ đối tác cho hơn 1.000 doanh nghiệp.
Ông Lê Công Phùng thông tin, doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã thành công ở một số lĩnh vực tại Myanmar như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, giầy dép, dầu khí... Tuy nhiên, với lĩnh vực nông nghiệp, ông nhận xét "Việt Nam còn thiếu những quả đấm thép", trong khi đây là lĩnh vực Myanmar đang rất cần và có nhiều chế độ ưu tiên. Lĩnh vực ngân hàng, hàng không, viễn thông cũng được đánh giá là chưa thực sự mở cửa.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đăng ký 460 triệu USD, đứng thứ 6 trong số 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu đến 2015, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Myanmar tăng lên 500 triệu USD và đầu tư giữa hai nước đạt 1 tỷ USD.
Theo VnExpress