Nhờ chính sách cấm xuất khẩu nguyên liệu thô hồi đầu năm 2012 và đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường ngoài nước mà xuất khẩu các sản phẩm nội thất từ song mây của Indonesia đã tăng mạnh.
Kết quả này đặt nền tảng cho việc hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm song mây 230 triệu USD năm 2013 mà chính phủ nước này đã đặt ra từ tháng 10 năm ngoái.
Ông Sunoto, Chủ tich chi nhánh Hiệp hội Đồ nội thất song mây và thủ công mỹ nghệ Indonesia (AMKRI) tại Cirebon, tỉnh Tây Java (một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu chủ chốt hàng song mây và thủ công mỹ nghệ của Indonesia) cho biết chính sách bảo vệ, hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất trong nước của chính phủ đã đem lại những kết quả rất tích cực khi hàng song mây và thủ công mỹ nghệ vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trong xuất khẩu của Cirebon, mặc dù nhiều phần nguyên liệu thô trong các sản phẩm đã được thay thế bằng gỗ hay nhựa.
Theo Tổng thư ký AMKRI Abdul Sobar, xuất khẩu đồ nội thất song mây và thủ công mỹ nghệ của Indonesia tăng mạnh nhờ nhu cầu các sản phẩm này từ thị trường châu Âu tăng tới 82% trong năm nay.
Mặc dù vậy AMKRI vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, bao gồm các nước Mỹ Latinh, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Phi. và mở rộng các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014.
Trong khuôn khổ nỗ lực duy trì việc làm và tạo việc làm mới cho hàng triệu lao động của ngành, AMKRI sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán thông qua việc tăng cường tổ chức các cuộc triển lãm khác nhau ở trong nước và nước ngoài, trong đó sẽ đặc biệt chú ý đáp ứng những yêu cầu riêng của từng thị trường xuất khẩu. Ví dụ như người tiêu dùng Nhật Bản đòi hỏi rất cao về các sản phẩm nội thất song mây có màu sắc tự nhiên.
Bên cạnh đó, các cuộc triển lãm do AMKRI tổ chức mới đây ở Italy, Hà Lan, và Đức đã rất thành công, góp phần thúc đẩy nhu cầu của các nước này đối với đồ nội thất song mây.
Nhân sự kiện trên, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Alex Retraubun và Trung tâm sáng tạo Innovationszentrun Lichtenfels, Bộ Công nghiệp Đức đã ký thỏa thuận hợp tác, bao gồm phát triển công nghệ, thiết kế và tiếp thị, đào tạo, hợp tác nghiên cứu, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế, trung gian kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp song mây Indonesia, nhằm tạo ra những thiết kế mẫu mã sản phẩm mới mang lại giá trị thẩm mỹ và giá trị gia tăng cao hơn, cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tổng vụ trưởng phát triển các khu công nghiệp, Bộ Công nghiệp Indonesia, Dedi Mulyadi nói rằng việc cấm xuất khẩu song mây thô của chính phủ ngoài mục tiêu duy trì ngưỡng song mây bền vững trong tài nguyên rừng, cải thiện việc sử dụng công nghiệp và xuất khẩu sản phẩm, cũng như ngăn chặn việc buôn lậu song mây, còn nhằm mở rộng ngành sản xuất các sản phẩm song mây, không chỉ ở đảo Java mà trên khắp toàn quốc, bởi đây là lĩnh vực thu hút và tạo được nhiều việc làm, cải thiện đời sống cho hàng triệu gia đình.
Theo Vietnam+