Tỉ trọng hàng dệt may gia công cho nước ngoài và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu chiếm hơn 96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm đạt 6,4 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch cao của cả nước.
Cơ hội từ TPP
Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) dệt may được cải thiện khi số lượng đơn hàng nhiều hơn, không phải “ăn đong” như năm ngoái. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Văn phòng 2 tại TP (VITAS) cho rằng ngành dệt may năm qua tuy có điểm sáng về xuất khẩu nhưng thực trạng còn nhiều khó khăn. Trong chuỗi hoạt động của ngành, điều “đau đớn” nhất vẫn là gia công cho đối tác nước ngoài, chiếm từ 60%-80%. Chuỗi sản xuất của ngành từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm và may nhưng đến nay may vẫn là chính, với nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, từ nhiều năm qua, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2012, tỉ trọng 2 loại hình này chiếm hơn 96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước. VITAS cho rằng ngành dệt may cần sự đầu tư lâu dài để phát triển. Khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra, khu vực châu Á không có Trung Quốc tham gia, sẽ tạo lợi thế rất lớn cho ngành dệt may trong nước.
Nhưng việc đầu tư vào ngành dệt, nhuộm lại đang gặp vướng mắc lớn khi các khu công nghiệp yêu cầu DN đầu tư xử lý nước thải loại A (có thể uống được). “Tự mình đang làm khó mình và đánh mất cơ hội đầu tư. Chưa kể các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc, Nhật thời gian qua tận dụng rất tốt ưu đãi trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhưng DN trong nước chưa nắm bắt được điều này” - đại diện VITAS nhận xét.
Chuyển sang làm hàng nội địa
Việc phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, trong khi DN xuất khẩu của Việt Nam lại cạnh tranh chính với đối thủ đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… càng gây khó khăn cho DN. Báo cáo mới nhất từ VITAS cho thấy năm nay đơn hàng của DN trong ngành có cải thiện nhưng thời gian ngắn, nhỏ và lợi nhuận giảm sút, lợi thế vẫn chủ yếu thuộc về DN FDI.
Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng DN trong nước đang phải “chia sẻ” thị phần xuất khẩu cho khối FDI. Thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm 2012, cho thấy kim ngạch xuất khẩu dệt may của khối DN FDI cao hơn DN trong nước và xu hướng ngày càng tăng. Năm 2005, xuất khẩu dệt may của DN FDI đạt 2,14 tỉ USD, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Từ năm 2007 đến nay, xuất khẩu nhóm hàng này của DN FDI liên tục tăng và vượt DN trong nước. Năm 2012, trong tổng số 15 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may, khối DN FDI đạt 9 tỉ USD, tăng 6% so với năm trước và chiếm tỉ trọng 60%.
Bộ Công Thương nhận định lợi nhuận của ngành dệt may trong năm nay có nguy cơ giảm so với nhiều năm trước do đơn hàng nhỏ và giá cạnh tranh quyết liệt nên khó nâng đơn giá xuất khẩu. Cải thiện tình hình này, nhiều DN đã tăng cường khai thác thị trường nội địa nhằm cung cấp hàng Việt chất lượng cao, giá cả hợp lý để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm cho người lao động. Hiện một số DN đã tận dụng kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu rồi mở rộng sản xuất sang làm hàng nội địa như thay đổi quy cách, mẫu mã sản phẩm với chất lượng không đổi để tồn tại và phát triển.
Theo Người Lao Động