Phát biểu tại diễn đàn DN Việt Nam– EU 2013, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức tại TPHCM hôm 29-5, ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU với triển vọng cắt giảm 90% dòng thuế xuống 0% trong vòng 7 năm sẽ giúp DN Việt Nam tiếp cận thị trường EU một cách bền vững, cũng như giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Jean Jacques Bouflet, từ cuối năm 2012 đến nay đã diễn ra ba vòng đàm phán FTA Việt Nam- EU. Vòng đàm phán thứ ba diễn ra vào tháng 4-2013 tại TP.HCM, với 13 nhóm kỹ thuật thảo luận về các vấn đề, như thương mại hàng hoá, thuế quan, nguyên tắc xuất xứ. Vòng thứ tư dự kiến diễn ra vào tháng 7-2013 tại Brussels, Bỉ. Hiệp định này dự kiến được ký kết vào cuối năm 2014.
Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng FTA Việt Nam - EU đem lại cơ hội mở rộng thị trường chế biến cho thuỷ sản Việt Nam. Cụ thể, DN Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản từ nước thứ ba, sau đó gia công chế biến và tái xuất sang EU.
Mặc dù hiện Việt Nam có đến 421 DN thuỷ sản đạt chuẩn xuất khẩu vào EU, chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng, nhưng Việt Nam đứng thứ 10 trong danh cách các nước cung cấp thuỷ sản vào EU, chỉ chiếm 2,6% thị phần trong năm 2012 (Nguồn: VASEP)
Ông Hoè cho biết thêm, Trung Quốc đứng đầu thế giới về gia công thuỷ sản, nhưng hiện có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác. Theo đó, thông qua FTA Viam - EU, Việt Nam có thể cũng là điểm đến chọn lựa của nhà nhập khẩu EU.
Ngoài ra, theo đánh giá của VASEP, FTA Việt Nam- EU sẽ làm giảm nhẹ các rào cản phi thuế quan, như biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm dịch động thực vật, cũng như rào kỹ thuật trong tương lai, khi Việt Nam và EU có những cam kết sâu hơn thông qua FTA.
Theo ông Colin Kinghorn, GĐ phụ trách Tiểu vùng sông Mêkông và Indonesia thuộc Tập đoàn tư vấn và nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting, để tận dụng hiệp định này, DN Việt Nam cần có chiến lược tìm hiểu sở thích của người tiêu dùng châu Âu, đầu tư cho marketing và chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, đối với thuỷ sản, người châu Âu có xu hướng mua thuỷ sản đông lạnh, thay vì tươi sống.
Theo Hải Quan Online